028 3979 8335

PHẦN 3: TÓM TẮT NỘI DUNG BẢN ÁN SƠ THẨM

Theo Bản án sơ thẩm số 128/2023/HS-ST ngày 11/9/2023 Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên xử đối với bị cáo Lê Thái Thiện và Lê Thái Phong về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và tội “Rửa tiền” như sau:

Đối với hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” của Lê Thái Thiện và Lê Thái Phong.  

Lê Thái Thiện đã cho 09 người vay số tiền 324.515.000.000 đồng như sau: Đối với các khoản vay 3.000đ/1triệu/1 ngày tương ứng với lãi suất cho vay là 109,5%/năm; Đối với các khoản vay 3.500đ/1triệu/1 ngày tương ứng với lãi suất cho vay là 127,75%/năm; Đối với các khoản vay 4.000đ/1triệu/1 ngày tương ứng với lãi suất cho vay là 146%/năm. Tất cả các khoản tiền mà Thiện đã cho những người nêu trên vay đều vượt quá 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự.

Nguồn tiền bị cáo cho vay có một phần là tài sản của bị cáo Thiện, một phần do bị cáo đi vay của những người khác để cho vay lại hưởng lãi suất chênh lệch. Thời hạn cho vay là 10 ngày, khi đến hạn thanh toán nếu người vay không trả hết nợ gốc, nợ lãi thì bị cáo Thiện sẽ cộng dồn nợ lãi chưa trả được vào nợ gốc thành khoản vay mới và yêu cầu người vay lập hợp đồng vay tiền mới, tiếp tục tính tiền lãi theo chu kỳ với cách thức nêu trên.

Quá trình vay – trả giữa các bị cáo Thiện và 9 người vay diễn ra trong thời gian dài, có khoản vay được cộng dồn từ trước ngày 01/01/2018, mục đích của những người vay tiền để đầu tư bất động sản, sản xuất – kinh doanh, thời hạn vay là 10 ngày nhưng đa phần người vay không thanh toán được nợ gốc và lãi suất theo thỏa thuận đúng hạn cho bị cáo Thiện nên nợ lãi tiếp tục cộng vào nợ gốc và tính thành khoản vay mới thể hiện tại các bản Hợp đồng vay tiền CQĐT thu giữ tại nhà bị cáo Thiện, với cách thức tính lãi như vậy sau một thời gian vay, người vay tiền mất khả năng thanh toán và phải dùng tài sản khác để cấn trừ nợ cho bị cáo Thiện.

Trong đó, có nhiều người đã vay tiền của bị cáo Thiện từ trước ngày 01/01/2018. Thời điểm này Bộ luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực thi hành. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì hành vi của Thiện cho những người này vay với lãi sất 3.000đ/1triệu/1 ngày đến 4.000đ/1triệu/1 ngày không phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Lê Thái Thiện, Lê Thái Phong đã thu về tổng số tiền 412.092.175.000 đồng từ những người vay chi trả bằng tiền mặt, chuyển khoản qua các tài khoản Ngân hàng của Lê Thái Thiện, Lê Thái Phong mở tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và gán nợ bằng các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở, nguyên vật liệu xây dựng. Theo các Hợp đồng vay tiền xác định 09 người vay nêu trên còn nợ bị cáo Thiện 330.536.000.000 đồng.

Tổng số tiền Lê Thái Phong đã cho 23 người vay là 1.129.500.000 đồng, Phong đã thu về 1.447.660.000 đồng. Trong đó số tiền gốc là 831.000.000 đồng, tiền lãi là 616.660.000 đồng. Hiện nay, 08 người vay còn nợ Phong số tiền 298.500.000 đồng.

HĐXX đã tính toán số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo theo nguyên tắc:

Đối với các khoản vay trả hết nợ gốc cho Phong – lãi trong kỳ hạn vay, số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo được tính theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP.

Đối với các khoản vay chưa trả hết nợ gốc – lãi theo thỏa thuận trong kỳ hạn vay, số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo được tính theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP. Việc chưa thu đủ số tiền thu lợi bất chính là nguyên nhân ngoài ý muốn của các bị cáo, sẽ được xem xét khi lượng hình.

HĐXX đã tính toán số tiền TLBC để xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Thiện trong các quan hệ cho vay bằng cách lấy số tiền lãi theo thỏa thuận của các bên trừ đi số tiền lãi tương ướng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự được xác định bằng cách căn cứ vào tiền vay gốc của từng khoản vay nhân với số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự sau đó nhân với thời gian tính số tiền thu lợi bất chính. Số tiền lãi theo thỏa thuận của các bên thì xác định bằng cách căn cứ vào tiền vay gốc của từng khoản vay nhân với số tiền lãi mà các bên thỏa thuận sau đó nhân với thời gian tính số tiền thu lợi bất chính. Trong đó, thời gian tính số tiền thu lợi bất chính của từng khoản vay tính từ ngày vay đến một trong các thời điểm sau tùy từng trường hợp: thời điểm bị cáo Thiện, Phong bị bắt; thời điểm hai bên chốt nợ; thời điểm bị cáo Thiện giảm lãi suất cho người vay (mức lãi suất sau khi giảm không lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự); từ ngày bị cáo Thiện khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu người vay trả tiền.

Với cách tính này thì tổng số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Thiện cho 9 người vay là 452.776.059.261 đồng; tổng số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Phong cho 23 người vay là 554.528.050 đồng. HĐXX xác định hành vi cho vay lãi nặng của bị cáo Lê Thái Thiện, Lê Thái Phong đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự.

Đối với những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm: Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Duyên, Trần Quang Binh, Nguyễn Văn Bốn, Đặng Thị Tuyết Lan, bà Nguyễn Thụy Thanh Mai, ông Nguyễn Văn Phú, bà Lê Thị Hiệp, bà Nguyễn Thị Quyên, ông Phạm Hồng Tiến, bà Lê Thị Thúy, ông Phạm Văn Quynh cho các bị cáo Thiện và Phong vay tiền với lãi suất từ 2% đến 6%/tháng, tương ứng 24%-72%/năm, thấp hơn mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khi cho vay tiền, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nêu trên không biết mục đích các bị cáo vay tiền để sử dụng vào mục đích phạm tội. Vì vậy, hành vi những người liên quan nêu trên không cấu thành tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự và cũng không đồng phạm với Thiện, Phong về tội danh nêu trên.

Đối với hành vi của bà Nguyễn Thị Soi: bà Soi là vợ của bị cáo Thiện, quá trình điều tra và tại phiên tòa xác định bà Soi ở nhà làm công việc nội trợ. Bà Soi biết Lê Thái Thiện, Lê Thái Phong cho người khác vay tiền nhưng cụ thể cho ai vay tiền, số tiền cho vay, lãi suất cho vay như thế nào thì bà Soi không biết. Việc ký tên các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bà Soi làm theo yêu cầu của Thiện, không biết nội dung và nguồn gốc của những tài sản nhận chuyển nhượng. Vì vậy, bà Soi không đồng phạm với Thiện, Phong về các tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và tội “Rửa tiền”.

 Đối với Lê Phong Phú: Phú là con của Thiện và Soi, Phú hiện đang theo học tại thành phố Hồ Chí Minh nên không biết công việc làm ăn cụ thể của Thiện, Phong. Việc Phú ký kết các Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các tài sản ông Phạm Quang Viên gán nợ và làm thủ tục thế chấp tại Ngân hàng vay tiền đều thực hiện theo chỉ đạo của Thiện, Phong. Các tài sản Phú đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều do Thiện cho Phú đứng tên, không phải tài sản do Phú tạo lập được. Vì vậy Phú không đồng phạm với Thiện, Phong về các tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và tội “Rửa tiền”.

Đối với Lê Thị Thu Hà: Hà là con của Thiện và Soi. Hà làm công việc quản lý nhà nghỉ, phụ giúp kinh doanh cây cảnh cho Thiện và được trả công mỗi tháng 5.000.000 đồng. Việc Hà ký kết các Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các tài sản do ông Lưu Ngọc Tư gán nợ và làm thủ tục thế chấp tại Ngân hàng vay tiền đều thực hiện theo chỉ đạo của Thiện. Các tài sản Hà đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều do Thiện cho Phú đứng tên, không phải tài sản do Hà tạo lập được. Vì vậy Hà không đồng phạm với Thiện, Phong về các tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và tội “Rửa tiền”.

Về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội: Qua tranh tụng tại phiên tòa xét thấy những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (người vay tiền của bị cáo Thiện) cũng có một phần lỗi, mục đích chủ yếu của những người vay để đầu tư bất động sản, nguồn vốn chủ sở hữu hạn chế, phần lớn các khoản đầu tư, kinh doanh dựa vào vốn đi vay lãi suất cao. Vì vậy khi thị trường bất động sản đóng băng, không thể thanh khoản nên mất khả năng thanh toán nên đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bị cáo Thiện, Phong để cấn trừ nợ. Do đó, hành vi của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nói trên phần nào gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương và là một trong những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh hành vi phạm tội của các bị cáo. Vì vậy cũng cần xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo khi lượng hình.

HĐXX tuyên hủy các Hợp đồng vay tiền giữa bị cáo Thiện, Phong và 09 người vay tiền, tuyên bố các Hợp đồng ủy quyền, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên, về hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì căn cứ Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự, tách phần giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đối với hành vi “Rửa tiền” của Lê Thái Thiện và Lê Thái Phong.

Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 01/12/2020, bị cáo Lê Thái Thiện, Lê Thái Phong đã thực hiện hành vi rửa tiền bằng hình thức sử dụng số tiền có được từ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 193.871.507.452 đồng vào việc nhận chuyển nhượng các bất động sản (nhà, đất), mua hàng hóa (vật liệu xây dựng) của ông Tư, ông Viên, ông Xuyến. Sau đó dùng các tài sản này thế chấp tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vay số tiền 27.500.000.000 đồng. Hành vi của bị cáo Lê Thái Thiện, Lê Thái Phong đủ yếu tố cấu thành tội “Rửa tiền” quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 324 Bộ luật Hình sự.

Tại phần Quyết định, HĐXX đã tuyên xử:

“Tuyên bố: Bị cáo Lê Thái Thiện, Lê Thái Phong phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và tội “Rửa tiền”.

  1. Căn cứ khoản 2 Điều 201, điểm s khoản 1 Điều 51; các điểm b, g, và m khoản 2 Điều 52; Điều 15, Điều 17; Điều 55, 57, 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Lê Thái Thiện 02 năm 06 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Căn cứ điểm a, b khoản 3 Điều 324, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 55, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Lê Thái Thiện 13 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Tổng hợp hình phạt chung, bị cáo Thiện phải chấp hành là 15 năm 06 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 01/12/2020.

  1. Căn cứ khoản 2 Điều 201, điểm s khoản 1 Điều 51; các điểm b, g, và m khoản 2 Điều 52; Điều 15, Điều 17; Điều 55, 57, 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Lê Thái Phong 02 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Căn cứ điểm a, b khoản 3 Điều 324, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 55, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Lê Thái Phong 11 năm 6 tháng tù về tội “Rửa tiền”.

Tổng hợp hình phạt chung, bị cáo Phong phải chấp hành là 13 năm 06 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 01/12/2020.”

  1. Về biện pháp tư pháp:
  • Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với các khoản tiền bị cáo Thiện dùng cho 09 người vay và số tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay với tổng số tiền: 140.602.023.128đ
  • Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với các khoản tiền bị cáo Phong dùng cho 23 người vay và số tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay với tổng số tiền: 1.004.484.408đ
  • Bị cáo Thiện phải trả lại cho vợ chồng ông Cù Hải Nam số tiền 49.041.000 đồng
  • Bị cáo Phong phải trả lại cho 18 người/ 23 người vay với tổng số tiền thu lợi bất chính là: 555.528.050đ.
  1. Hủy các Hợp đồng vay tiền giữa bị cáo Thiện, bị cáo Phong và những người vay tiền.
  2. Tuyên bố các hợp đồng ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Lưu Ngọc Tư, vợ chồng ông Phạm Quang Viên, vợ chồng ông Nguyễn Văn Xuyến với bị cáo Thiện, bà Nguyễn Thị Soi, bị cáo Phong, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh vô hiệu.

Tách phần giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự

  1. Trả lại các GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với QSDĐ cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Điệp, vợ chồng ông Nguyễn Văn Duẫn, bà Mai Thị Hương.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về việc xử lý vật chứng; về biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản; về án phí; về quyền kháng cáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *