028 3979 8335

Xây dựng thang bảng lương trong doanh nghiệp

Công ty CPDV M K hỏi:

“M K là công ty cổ phần nhưng trước đây đã áp dụng quy tắc xây dựng thang lương bảng lương đối với doanh nghiệp Nhà nước để làm cơ sở đăng ký và ký hợp đồng lao động và trả lương và đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Việc áp dụng như vậy có vi phạm pháp luật không? Mặt khác, hiện nay mức lương bậc 1 trong thang lương mà M K áp dụng trả cho người lao động lại thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định. Vậy Cty M K có phải điều chỉnh lại thang lương bảng lương hay không? và xây dựng thang lương bảng lương trên cơ sở nào?  Đề nghị luật sư tư vấn.

Vấn đề của Quý Công ty được Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường – Văn phòng luật sư Chợ Lớn trả lời như sau:

Trước khi trả lời câu hỏi chính của Qúy công ty thì cần phải hiểu rõ khái niệm thang lương, bảng lương.

Thang lương: Dùng để xác định quan hệ tỷ lệ về tiền lương giữa những công nhân cùng nghề khi họ đảm nhiệm những công việc có mức độ phức tạp khác nhau.

Bảng lương: Cũng giống như thang lương có số bậc và hệ số lương nhưng áp dụng chủ yếu cho cán bộ chuyên môn nghiệp vụ trong doanh nghiệp, cho một số công việc mà mức độ thành thạo (chênh lệch giữa các bậc) chủ yếu dựa vào yếu tố thâm niên nghề. Mỗi thang lương gồm các bậc lương nhất định và các hệ số lương phù hợp với các bậc lương.

 

– Trên cơ sở yêu cầu tư vấn của Công ty cổ phần dịch vụ M K (gọi tắt là M K) luật sư tư vấn như sau:

I/ Việc doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác) phải xây xây dựng thang lương, bảng lương được quy định tại Điều 57, chương VI của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung năm 2002; khoản 1 và khoản 3, Điều 5 Nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương.

Để cụ thể hóa quy định về xây dựng thang lương, bảng lương cho các loại hình doanh nghiệp thì Cơ quan Nhà nước đã ban hành văn bản như:

1/ Thông tư số 13/2003/TT – BLĐTBXH ngày 30/5/2003 của Bộ Lao động – TBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ – CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ về tiền lương đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp.

2/ Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước.

3/ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhân dân.

Mặc dù Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về tiền lương cho từng nhóm doanh nghiệp nhưng do trong văn bản không cấm doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp trong việc vận dụng Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 để xây dựng thang lương, bảng lương nên trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp đã vận dụng quy định thang lương bảng lương đối với doanh nghiệp Nhà nước để xây dựng thang lương bảng lương của doanh nghiệp.

Đơn cử như M K là một Công ty cổ phần nhưng cũng áp dụng quy định của Nghị định 205 để xây dựng thang lương, bảng lương. Việc áp dụng này không trái với quy định của pháp luật và không trái với Công văn số 638/LĐTB-XH ngày 23/02/2005 của Sở lao động thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương trong các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp.

=> Như vậy, việc công ty cổ phần dịch vụ M K vận dụng quy định của Nghị định 205 hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp Nhà nước để xây dựng thang lương, bảng lương cho doanh nghiệp không vi phạm pháp luật.

II/ Do chỉ số tiêu dùng trong xã hội tăng, để đảm bảo cuộc sống cho người lao động nên ngày 16/11/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2007/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cá nhân và tổ chức của Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.

‘‘ Điều 1Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với:

1. Công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

4. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động…’’.

Mà mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là 620.000 đồng/tháng.

Hơn nữa, sau thời gian áp dụng Nghị định số 114/2002/NĐ-CP và Thông tư số 13/2003/TT – BLĐTBXH ngày 30/5/2003 có một số điểm chưa rõ nên ngày 05/12/2007 Bộ lao động- thương binh và xã hội đã ban hành ‘‘Thông tư số 28 /2007/TT-BLĐTBXSửa đổi khoản 1, khoản 2 mục III Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH …’’ như sau:

“1/ Thang lương, bảng lương theo khoản 1 và khoản 3, Điều 5 Nghị định 114/2002/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

a) Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ làm cơ sở ký kết hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể, xác định quỹ lương, trả lương, nâng bậc lương và giải quyết các chế độ khác cho người lao động.

b) Việc xây dựng thang lương, bảng lương phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP, trong đó:

– Khoảng cách của các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích để người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển các tài năng; chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%;

– Mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

– Mức lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường. Danh mục nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm thực hiện theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Doanh nghiệp lựa chọn phương pháp tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này hoặc áp dụng các phương pháp khác phù hợp để xây dựng thang lương, bảng lương.

d) Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời và công bố công khai trong doanh nghiệp.

đ) Doanh nghiệp phải đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương (kể cả thang lương, bảng lương được sửa đổi, bổ sung) với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động trước khi công bố áp dụng trong doanh nghiệp, cụ thể:

– Đối với doanh nghiệp mới thành lập sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải xây dựng và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương;

– Đối với doanh nghiệp đang hoạt động đã xây dựng thang lương, bảng lương nhưng chưa thực hiện đăng ký hoặc đã đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương nhưng thang lương, bảng lương xây dựng chưa đúng với quy định tại Thông tư này thì trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký hoặc tiến hành sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định’’.

Như vậy, mỗi lần Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp phải căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để xem xét, điều chỉnh mức lương.

Cụ thể:

– Đối với doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương thì căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để xem xét, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, các mức lương trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác đối với người lao động cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương và Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2003, Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2003, Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đối với doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương thì căn cứ mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để tính các mức lương khi xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của doanh nghiệp, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương do pháp luật lao động quy định (các mức lương có thể được quy định bằng hệ số so với mức lương tối thiểu do doanh nghiệp lựa chọn hoặc mức tiền cụ thể nhưng mức lương bậc 1 trong thang lương, bảng lương phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định); xác định, điều chỉnh các mức lương trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác đối với người lao động cho phù hợp.

Đặc biệt, ngày 04 tháng 12 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức cho thuê mướn lao động;

Ngày 10 tháng 12 năm 2012, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 103/2012/NĐ-CP và có hiệu lực ngày 01/01/2013. Nội dung chính của hai văn bản trên như sau:

Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng

Quy định đối với các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên các địa bàn:

a) Vùng I: Mức 2.350.000 đồng/tháng

b) Vùng II: Mức 2.100.000 đồng/tháng

c) Vùng III: Mức 1.800.000 đồng/tháng

d) Vùng IV: Mức 1.650.000 đồng/tháng

Khi áp dụng các quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

ð Căn cứ các quy định nêu trên thì CTy CP dịch vụ M K phải căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để xem xét, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, các mức lương trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác đối với người lao động cho phù hợp và phải đảm bảo các nguyên tắc đã phân tích nêu trên./.

Hồ sơ đăng ký thang lương, bảng lương gồm:

– Công văn đề nghị đăng ký;

– Hệ thống thang lương, bảng lương doanh nghiệp xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung;

– Bản quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc trong thang lương, bảng lương;

– Ý kiến tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong doanh nghiệp.

Trân trọng kính chào!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *