028 3979 8335

Trong thời kỳ hôn nhân có được yêu cầu chia tài sản chung không?

Bạn N.T.K ở tỉnh L.A hỏi:   

Tôi và chồng tôi đăng ký kết hôn năm 2002, có một con gái sinh năm 2003, trong quá trình chung sống chúng tôi tạo lập được khối tài sản chung bao gồm: 01 căn nhà để ở, 01 căn nhà chúng tôi cho thuê với diện tích 8×20 m2. Do có nguồn thu này nên cuộc sống cũng tạm ổn. Tuy nhiên sau dịch covid-19 người thuê trả nhà nên cuộc sống của gia đình tôi  đã bị ảnh hưởng. Hiện căn nhà đang bỏ trống. Tôi đã bàn với chồng bán căn nhà này để lấy vốn kinh doanh, nhưng chồng nhất quyết không đồng ý. Vậy tôi muốn chia tài chung là căn nhà có diện tích 160 m2 này có được không?  

Xin trân trọng cảm ơn.    

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Văn phòng luật sư Chợ Lớn. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:    

Ngoài việc tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được chia khi ly hôn xảy ra, pháp luật còn quy định một trường hợp đặc biệt, khi hôn nhân đang tồn tại, vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, cụ thể:

Trường hợp 1, vợ chồng có thể lập văn bản thỏa thuận về việc chia một phần, chia toàn bộ tài sản chung. Việc lập văn bản này diễn ra tại Ủy ban nhân dân xã hoặc Văn phòng công chứng với sự có mặt của cả hai vợ chồng.

Trường hợp 2, nếu vợ chồng không thể thỏa thuận được về việc phân chia tài sản chung thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo nội dung mà bạn trình bày, bạn đã thỏa thuận với chồng bạn về việc bán căn nhà diện tích 160 m2 để lấy vốn kinh doanh, nhưng chồng bạn nhất quyết không đồng ý. Nên bạn có quyền yêu cầu tòa án nhân dân huyện nơi có căn nhà tọa lạc giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đối với căn nhà này.

Theo nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng bạn được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Vì vậy, bạn sẽ có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc phân chia căn nhà diện tích 160m2 nếu việc phân chia căn nhà này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình, con của bạn không thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, đặc biệt là việc phân chia tài sản chung của vợ chồng bạn không nhằm trốn tránh các nghĩa vụ trên.

Căn cứ pháp lý: Điều 38, Điều 42, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Xin gửi đến bạn nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Chợ Lớn, trong trường hợp bạn có nhu cầu được tư vấn sâu hơn thì vui lòng liên hệ đến số hotline hoặc đến trực tiếp trụ sở văn phòng.

Xin trân trọng kính chào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *