028 3979 8335

Tranh tụng – Vai trò của Luật sư

Trong xu thế hội nhập Quốc tế và cải cách tư pháp, Việt Nam đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền, hướng tới việc đảm bảo sự công bằng xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các Doanh nghiệp…. ,của cá nhân công dân ngày một tốt hơn. Trong bối cảnh như hiện nay, nghề nghiệp Luật sư, vai trò của Luật sư đang được phát huy và được khẳng định trong đời sống xã hội và đời sống Doanh nghiệp.

Phát huy thế mạnh này, Luật sư nước ta đang hoạt động tương đối tốt trên cả 2 lĩnh vực: Tư vấn và tranh tụng.

    Thông qua hoạt động tư vấn, các Luật sư đã giúp cho các Doanh nghiệp, các cá nhân công dân hoạt động và hành xử theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình, của các chủ thể khác và của cộng đồng xã hội. Hoạt động tư vấn của Luật sư đang ngày càng phát triển theo cả chiều sâu lẫn bề rộng. Bên cạnh hoạt động tư vấn, sự tham gia của Luật sư trong các vụ án Hình sự, Dân sự, Kinh doanh- Thương mại, Lao động, Hành chính đang mang lại ý nghĩa thiết thực cho xã hội, đặc biệt là cho các thân chủ. Có thể nói vai trò của Luật sư trong tố tụng là hết sức cần thiết khi mà mặt bằng văn hóa nói chung và văn hóa pháp lý nói riêng của các Doanh nghiệp, của các cá nhân công dân còn thấp và có nhiều hạn chế. Khi tham gia tố tụng, Luật sư mang trên vai trọng trách hết sức to lớn và cũng hết sức đặc biệt. Lúc này, mặc dù vai trò của Luật sư không đối lập với Viện kiểm sát và Tòa án nhưng Luật sư có vai trò hoàn toàn khác với Viện kiểm sát và Tòa án, bởi vì thông qua hoạt động bào chữa, bảo vệ thân chủ, cùng một lúc Luật sư vừa phải hướng tới việc góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, Luật sư phải hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc bào chữa, bảo vệ thân chủ, làm sao để quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thân chủ được bảo vệ một cách tốt nhất trên cơ sở của pháp luật. Có thể nói sứ mệnh này là tối quan trọng nếu không muốn nói đây là mục tiêu hàng đầu của mỗi Luật sư khi tham gia tranh tụng. Để làm tốt được điều này thì ngoài trình độ chuyên môn pháp lý, Luật sư còn phải có bản lĩnh nghề nghiệp và kinh nghiệm tranh tụng. Phải nắm chắc hồ sơ vụ án, căn cứ pháp luật, theo sát và nắm bắt kịp thời diễn biến phiên tòa, chứng cứ và những tình tiết mới nảy sinh để có thể bảo vệ thân chủ của mình một cách tốt nhất. Đồng thời, trong từng lĩnh vực khác nhau thì vai trò và cách thức bảo vệ thân chủ của Luật sư cũng phải tương thích, cụ thể:

1/ Trong một vụ án Hình sự việc xác định đúng tội danh và Điều khoản áp dụng cho một hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ của thân chủ một cách chính xác và có căn cứ sẽ quyết định trong việc bào chữa có tính thuyết phục cao của Luật sư. Tối kỵ việc làm xấu đi tình trạng của bị cáo thông qua việc bào chữa.

2/ Đối với các vụ án Dân sự, Kinh doanh- Thương mại, Lao động, Hành chính…,việc xác định chính xác quan hệ pháp luật, phạm vi tranh chấp, hướng dẫn thân chủ thu thập chứng cứ hoặc tự mình tiến hành thu thập chứng cứ trên cơ sở yêu cầu kiện tụng của thân chủ. Việc viện dẫn chính xác căn cứ pháp luật và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án luôn mang tính chất quyết định việc thua- thắng của một vụ án.

Có thể nói, sau nhiều năm hành nghề Luật sư, tôi đã ý thức được một điều: Nghề Luật sư là một nghề cao quý trong những nghề cao quý. Và rằng, trong phạm vi nghề nghiệp của mình, dù bạn hành nghề trong lĩnh vực tư vấn hay trong lĩnh vực tố tụng, hãy tự tin, có trách nhiệm, có bản lĩnh nghề nghiệp, đến một ngày,bạn sẽ trở thành một Luật sư đúng nghĩa, gặt hái được thành công và có được niềm vui trong nghề nghiệp.

Luật sư – Thạc sỹ Phùng Thị Hòa

(Văn phòng luật sư Chợ Lớn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *