028 3979 8335

Những lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ nên  các quy định Pháp luật đã được Nhà nước phổ biến và tuyên truyền trên nhiều phương tiện khác nhau để người dân tiếp cận. Qua đó ý thức pháp luật và sự hiểu biết pháp luật của người dân cũng được nâng cao so với trước đây, nhất là những công dân sinh sống trong các đô thị lớn của nước ta.

    Song song với sự phát triển của xã hội thì các vụ việc tranh chấp trên cả nước cũng gia tăng và diễn biến càng phức tạp hơn nhất là ở các đô thị lớn. Khi phát sinh tranh chấp người dân đã tự tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp trên các phương tiện truyền thông hay trực tiếp đến bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án các cấp hoặc đến trung tâm trợ giúp pháp lý, Đòan luật sư, Văn phòng luật sư và công ty luật để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý…

    Mặc dù vậy, trong thời gian tham gia họat động nghề Luật sư, tôi có điều kiện đến nhiều Tòa án nhân dân cấp quận – huyện và cấp tỉnh -thành phố trực thuộc trung ương để làm việc. Tại đây tôi thấy rằng, đa số người đứng đơn khởi kiện trong các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình khi đến Tòa án nhận kết quả trả lời đơn thường được Tòa án yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện về những vấn đề cụ thể như:

a) Cần phải xác định rõ nơi cư trú của bị đơn hoặc của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan; Cung cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân của những  người có quyền và nghĩa vụ liên quan (thường là giấy tờ nhân thân của những người thừa kế theo pháp luật trong các vụ án chia di sản thừa kế);

b) Xác định cụ thể nội dung, yêu cầu khởi kiện, tài sản tranh chấp để Tòa án có cơ sở xem xét tính tiền tạm ứng án phí có giá ngạch hoặc không có giá ngạch…

c) Hoặc một số ít trường hợp bị Tòa án trả lại đơn do thời hiệu khởi kiện đã hết hoặc việc khởi kiện không có căn cứ, không thuộc thẩm quyền của Tòa án giải quyết.

   Khi nhận được yêu cầu bổ sung này một số người đã phản ứng lại với cán bộ của Tòa án vì cho rằng bị cán bộ tòa án làm khó, một số người thì đưa văn bản yêu cầu bổ sung đó về để thực hiện công việc theo yêu cầu…

Xuất phát từ sự chứng kiến trên, tôi xin đơn cử một số kinh nghiệm nhỏ trong việc sọan thảo đơn và chuẩn bị hòan tất hồ sơ khởi kiện để mọi người tham khảo và nắm rõ, nhằm tránh mất thời gian đi lại nhiều lần không cần thiết cũng như hạn chế được việc phải bổ sung yêu cầu nhiều lần dẫn đến bị hết thời hiệu khởi kiện:

    1/ Người khởi kiện có thể mua mẫu đơn tại Tòa án hoặc download từ trang web của Tòa án các mẫu đơn này sau đó tự viết tay hoặc đánh máy hoặc thông qua các văn phòng Luật sư, công ty Luật để nhờ soạn thảo đơn khởi kiện giúp. Nhìn chung, dù đơn được làm theo hình thức nào thì khi làm đơn Người khởi kiện cần xác định rõ những thông tin sau:

+ Nơi cư trú của người bị kiện; Tài sản tranh chấp (bất động sản tranh chấp) ở đâu; Người bị kiện hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan (trong thời điểm làm đơn khởi kiện) có đang ở nước ngòai không. Vì các thông tin này có vai trò quan trọng trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết.

– Đối với việc xác định nơi cứ trú của người bị kiện: Hiện nay một số Tòa án đã có biểu mẫu phát cho người khởi kiện để họ liên hệ với Công an phường nơi người bị kiện đang cư trú để xin xác nhận. Khi người khởi kiện có đầy đủ thông tin thì Tòa án mới tiếp nhận đơn. Tuy nhiên một số Tòa án thì không có biểu mẫu sẵn vì thế người khởi kiện phải tự sọan văn bản có nội dung: đơn xin xác nhận về việc ông, bà….đang cư ngụ tại địa phương. Người khởi kiện phải ghi rõ thông tin họ tên, chứng minh nhân dân, nơi cư trú của mình và lý do xin xác nhận để làm gì trong đơn để Cơ quan công an nơi người bị kiện xác nhận. Khi đi xác nhận cần mang theo CMND, HK, Giấy đăng ký kết hôn (nếu việc xác nhận này nhằm bổ túc hồ sơ lý hôn) hoặc giấy tờ liên quan đến việc tranh chấp đó (lưu ý: pho to một bộ các giấy tờ này để công an phường đó lưu giữ ).

– Đối với tài sản tranh chấp (bất động sản tranh chấp): Khi nộp đơn khởi kiện phải photo giấy tờ của bất động sản đó nộp kèm. Trong trường hợp không có giấy tờ này do người bị kiện đang chiếm giữ thì người khởi kiện (với tư cách là người có quyền đối với tài sản đó như là vợ ,chồng hoặc là người thừa kế theo pháp luật…của người đứng tên trên tài sản đó) phải làm đơn xin trích lục giấy tờ này tại cơ quan có thẩm quyền liên quan và nộp kèm theo đơn là các giấy tờ về nhân thân (ví dụ như giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy kết hôn…).

– Đối với việc người bị kiện hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan (trong thời điểm làm đơn khởi kiện) đang ở nước ngòai thì người khởi kiện phải ghi rõ địa chỉ cư trú của họ ở nước ngòai vào đơn để Tòa án có cơ sở giải quyết sau này. Trường hợp một trong những người này đã đi nước ngòai quá lâu và không có tin tức thì trước khi làm thủ tục khởi kiện vụ việc dân sự người liên quan phải làm thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó chết hoặc mất tích để có giấy tờ nộp vào hồ sơ khởi kiện.

    2/ Thời hiệu khởi kiện: còn hay đã hết.

Căn cứ vào các giấy tờ liên quan đến tranh chấp người khởi kiện cần đối chiếu với quy định của pháp luật để biết rằng mình còn quyền khởi kiện hay không. Bởi theo quy định của Bộ luật dân sự và bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc dân sự là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Mười năm kể từ ngày mở thừa kế.

Do đó nếu trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc dân sự thì trước khi khởi kiện người có quyền lợi cho rằng đang bị xâm phạm phải tìm mọi cách để người xâm phạm quyền tái xác nhận, thừa nhận …Đối với vụ việc tranh chấp chia di sản thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện thì các thành viên liên quan phải có biên bản họp gia đình hoặc có văn bản nào đó xác nhận rằng chưa chia đối với tài sản đó đồng thời phải làm lại đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung.

    3/ Đối với những vụ việc tranh chấp di sản thừa kế mà người để lại tài sản có tuổi thọ cao (khi chết lại không để lại di chúc, di sản phải chia thừa kế theo pháp luật) nên người khởi kiện là con của người để lại di sản phải chứng minh rằng ông bà nội của họ (tức bố, mẹ của người để lại di sản) đã chết trước bằng giấy chứng tử hoặc giấy khai tử.

Tuy nhiên, trên thực tế do những người này di cư từ nơi khác đến do đất nước bị chiến tranh,  bản thân họ và con cháu không có giấy chứng tử. Trong những trường hợp này người khởi kiện nên tìm lại các giấy tờ như giấy thế vì khai sinh, giấy thế vì kết hôn, tờ khai gia đình của cha mẹ mình (vì các giấy này do chế độ cũ cấp thường ghi rõ về nhân thân cha mẹ của người đó còn hay mất), giấy rửa tội của cha hoặc giấy tờ làm lễ tại nhà thờ (nếu theo đạo công giáo) để làm căn cứ chứng minh. Trong trường hợp không có những bằng chứng này thì phải có đơn tường trình rõ lý do và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày trong đơn để Tòa án xem xét.

    4/ Lưu ý khi tranh chấp tài sản cần xác định rõ số tiền yêu cầu bên kia thanh tóan. Đặc biệt là đối với những vụ án ly hôn tranh chấp tài sản hoặc yêu cầu chia di sản thừa kế hoặc chia tài sản chung người khởi kiện cần xác định rõ phần tài sản theo phần mình được hưởng và định ra một khỏan tiền vừa phải để làm cơ sở cho Tòa án tính tiền án phí. Không nên đưa ra yêu cầu với giá trị được hưởng quá cao vì như vậy sẽ khó khăn cho việc chuẩn bị tài chính để nộp tiền tạm ứng án phí  hoặc bị mất án phí khi yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận hoặc do các bên hòa giải được trong quá trình giải quyết và xin rút yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí đã nộp sẽ bị sung công quỹ Nhà nước.

Trên đây là một số kinh nghiệm do bản thân đúc kết được, nội dung bài viết mang tính chất tham khảo và không tránh khỏi những thiếu sót nên rất mong nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của người đọc.

 

Luật sư – Nguyễn Thị Thúy Hường

(Văn phòng luật sư Chợ Lớn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *