028 3979 8335

Những điều cần biết về chi trả trợ cấp thất nghiệp

Từ ngày 01.01.2010, người lao động mất việc làm có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Điều 15 Nghị định số 127/2008 /NĐ – CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 hướng dẫn chi tiết  thi hành một số Điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp thì điều kiện người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức.

– Đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

– Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động .

Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền hàng tháng được trả cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bị thất nghiệp có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 15 nêu trên.

Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng phụ thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, cụ thể :

Ba tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng.

Sáu tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng.

Chín tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng tháng.

Mười hai tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng tháng trở lên.

Theo quy định tại Thông tư số 04/2009/TT- BLĐTB – XH ngày 22 tháng 01 năm 2009 hướng dẫn thực hiện Nghị định 127/2008/NĐ – CP hồ sơ đăng ký thất nghiệp gồm:

Đơn đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động ( theo mẫu ); Bản sao hợp đồng lao động đã hết hạn; Quyết định hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; Sổ bảo hiểm xã hội.

Trong thời gian bảy ngày làm việc kể từ khi mất việc, người lao động đến đăng ký thất nghiệp tại phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện nơi người lao động làm việc ( các tỉnh ), nếu người lao động làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đăng ký tại các Trung tâm giới thiệu việc làm.

Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp, người lao động nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp như đã nêu trên.

Theo quy định thì người lao động có 22 ngày để thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người lao động, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm ( nếu là địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ) sẽ lập và thẩm định hồ sơ trình Giám đốc sở LĐ – TB& XH cấp tỉnh ra quyết định trợ cấp thất nghiệp. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm ( nếu là địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ) sẽ cấp cho người lao động phiếu hẹn thời hạn đến cơ quan bảo hiểm xã hội quận , huyện để nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng hoặc qua thẻ ATM.

Trường hợp sau khi thất nghiệp, người lao động về quê ( không tiếp tục làm việc ở nơi khác ) thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp và vẫn phải đăng ký thất nghiệp tại phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại nơi làm việc hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm ( nếu là Thành phố Hồ Chí Minh ) sau đó các cơ quan này sẽ làm thủ tục chuyển về nơi sẽ chi trả trợ cấp thất nghiệp theo đề nghị của người lao động.

Tuy nhiên , trong thời gian hưởng trợ cấp, nếu người lao động hai lần từ chối nhận việc làm do phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm ( nếu là địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ) giới thiệu mà không có lý do chính đáng sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm ( nếu người lao động muốn học nghề  thì làm đơn đề nghị , thời gian học nghề không quá sáu tháng và được miễn học phí ).

6 điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

– Trường trung cấp nghề Củ Chi ( đối với lao động làm việc trên địa bàn Củ Chi ).

– Trung tâm dạy nghề Hóc Môn (đối với lao động làm việc trên địa bàn Hóc Môn và quận 12 ).

– Trường Trung cấp chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Cảnh, quận 7 (đối với lao động làm việc trên địa bàn quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ ).

–  Trung tâm dạy nghề Bình Tân (đối với lao động làm việc trên địa bàn các quận 6, 11, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh ).

– Trường trung cấp nghề Thủ Đức (đối với lao động làm việc trên địa bàn Thủ đức và quận 9 ).

– Các quận còn lại, đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố ( địa chỉ : 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh ).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *