Tôi định thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực mua bán các thiết bị, phụ tùng cho xe ô tô…..và sợ sau này có bất đồng xảy ra nên tôi không muốn vận động thêm người góp vốn. Tôi có thể một mình thành lập Doanh nghiệp được không? Thủ tục nó như thế nào?
( Anh Nguyễn Văn B, ngụ tại Quận Y, Tp HCM).
Vấn đề của bạn được Chuyên viên tư vấn pháp lý _ Lý Ngọc Tiệp ( VPLS Chợ Lớn) trả lời như sau):
– Do yêu cầu của anh không muốn sau này có bất đồng xảy ra nên không muốn có ai đó góp vốn vô thành lập Doanh nghiệp, vì vậy hiện nay theo quy định của Luật Doanh nghiệp anh có thể lựa chọn 02 loại hình doanh nghiệp để lựa chọn: Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH Một Thành Viên.
1. Về hình thức là Doanh nghiệp tư nhân.
– Đây là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của Doanh nghiệp. Bên cạnh đó thì Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào và cá nhân anh chỉ được xin thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình hoạt động, DNTN có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình.
(Anh có thể tham khảo cụ thể trong Luật doanh nghiệp 2005 từ điều 141- điều 145).
2. Về hình thức Công ty TNHH Một Thành Viên.
– Đây là loại hình Doanh nghiệp có thể do cá nhân hoặc tổ chức làm chủ và chủ sở hữu Công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Công ty trong phạm vi số vốn Điều lệ đã đăng ký. Công ty TNHH Một Thành viên thì không được giảm vốn Điều lệ mà chỉ có thể tăng vốn bằng cách chủ sở hữu Công ty đầu tư thêm hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Tuy nhiên trong trường hợp tăng vốn điều lệ bằng hình thức huy động thêm vốn góp của người khác thì lúc này Công ty phải làm thủ tục chuyển đổi hình thức Công ty từ Công ty TNHH một thành viên thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên…
– Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
(Anh có thể tham khảo cụ thể trong Luật doanh nghiệp 2005 từ điều 63- điều 76).
Từ những nội dung cơ bản nêu trên anh có thể lựa chọn cho mình một hình thức doanh nghiệp phù hợp để hoạt động kinh doanh.