028 3979 8335

Mong manh ranh giới tội và tình

Một số “người đẹp” phạm tội, nhưng khi bị cơ quan điều tra triệu tập và khi xuất hiện trước tòa, họ vẫn không nhận thức được hành vi của mình đã cấu thành tội phạm.
>> Người đẹp trước… vành móng ngựa / Hành vi che giấu tội phạm: Không thể đổ lỗi do vô thức

Cứ sau mỗi phiên tòa xét xử một vụ án hình sự liên quan đến hành vi “che giấu tội phạm” hoặc “không tố giác tội phạm”, chúng tôi lại thấy buồn cho những bị cáo phạm phải tội danh này. Họ vi phạm pháp luật và bị xử phạt bằng án tù, đó là điều đương nhiên. Nhưng nguyên nhân khiến họ phải nhận án tù lại xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật thì thật khiến nhiều người phải xót xa.

Hoàng Thị Yến, cô gái trẻ quê ở xã Đức Chính, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vừa phải nhận bản án 15 tháng tù, nhưng được hưởng án treo về tội không tố giác tội phạm. Yến là bạn gái của hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa vừa bị tuyên án tử hình vì sát hại người yêu cũ tại khu nhà chung cư G4 ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong thời gian về quê, Yến đưa chìa khóa căn hộ của mình cho bạn trai là Nguyễn Đức Nghĩa trông hộ. Và Nghĩa đã sát hại người yêu cũ tại căn hộ của Yến. Sau khi vụ án xảy ra, Nghĩa thừa nhận với Yến một sự thật ghê gớm là đã sát hại người yêu cũ trong căn hộ của Yến. Thế nhưng, khi cơ quan Công an triệu tập Yến để lấy lời khai thì cô lại che giấu sự thật này vì “thương bạn trai”.

Trong thời gian bị khởi tố tại ngoại chờ xét xử, ngày xuất hiện trước tòa, suy nghĩ của Yến đã thay đổi nhiều. Không còn sự ngoan cố nhằm bao che cho bạn trai, Yến thành khẩn khai báo sự thật về những điều đã biết. Khi nghe vị luật sư bảo vệ quyền lợi bào chữa, Yến đã khóc cho sự thiếu hiểu biết về pháp luật của mình đã khiến cô trở thành kẻ phạm tội. Yến gửi lời xin lỗi đến gia đình và tất cả mọi người. Vì thiếu hiểu biết pháp luật mà cô đã không làm tròn nghĩa vụ của một công dân. Yến mong được mọi người tha thứ, được pháp luật khoan hồng để có cơ hội làm lại cuộc đời.

Vụ Nguyễn Huy Hoàng, ở Hà Nội trong lúc cùng đồng bọn đi chơi có xô xát với anh Nguyễn Văn Thành, ở quận Hai Bà Trưng tại đường Nghi Tàm đã nổi máu côn đồ và dùng súng bắn thẳng vào đầu anh Thành đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Thủ đô Hà Nội.

Và việc anh Thành không chết khi bị viên đạn xuyên qua tai là do may mắn. Trong số 6 đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm, có 2 cô gái còn rất trẻ là Phạm Thế Ngọc và Phạm Thị Thanh Huyền, ở Hà Nội. Khi vụ án xảy ra, Ngọc và Huyền đều chứng kiến hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm của Hoàng và đồng bọn, nhưng hai cô gái này lại không tố giác hành vi của chúng.

Khi Hội đồng xét xử hỏi: “Vì sao biết rõ hành vi phạm tội của Hoàng và đồng bọn nguy hiểm như thế mà các bị cáo không tố giác?”. Các bị cáo hồn nhiên trả lời: “Thưa tòa, bị cáo nghĩ đó là việc của Công an. Và Công an sẽ bắt ai phạm tội, chứ bị cáo có phạm tội đâu”. Chính vì do thiếu hiểu biết về pháp luật nên sau khi chứng kiến việc Hoàng dùng súng bắn anh Thành, hai cô gái này đã thản nhiên bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra. Kết cục của sự thiếu hiểu biết pháp luật đã khiến Ngọc và Huyền bị pháp luật xử phạt bằng hình thức cải tạo không giam giữ.

Cũng liên quan đến hành vi không tố giác tội phạm, cô gái trẻ Hoàng Mai Hương, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đã bị xử phạt 8 tháng tù, nhưng được hưởng án treo. Là một cô gái xinh đẹp, sinh ra trong gia đình có nền nếp, thế nhưng nguyên nhân khiến Hương phải nhận bản án tù treo lại xuất phát từ tình thương người bạn trai của cô mà thành. Hôm ấy, sau khi cùng bạn trai là Nguyễn Minh Hiệp đi về, do chuyện hiểu lầm nên Hương và Hiệp đã cãi nhau ở gần điểm mà anh Trịnh Minh Dân, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải đang ngồi chơi. Anh Dân nói với Hiệp: “Vợ chồng cãi nhau thì về nhà”. Vậy là Hiệp rút dao đâm vào ngực anh Dân khiến anh tử vong. Lo sợ bị bắt nên sau khi gây án, Hiệp và Hương bỏ trốn…

Trước tòa, “người đẹp” Hoàng Mai Hương tỏ ra rất ăn năn, hối hận. Cô nói với Hội đồng xét xử rằng: “Bị cáo đã khuyên bạn trai nên đi đầu thú để được giảm nhẹ tội. Nhưng thấy bạn trai tỏ ra rất hoang mang nên bị cáo cũng thương mà không quyết liệt khuyên nhủ. Chính vì hạn chế hiểu biếu pháp luật và cả tình thương bạn trai không đúng cách mà bị cáo phải nhận hậu quả”.

Hi vọng rằng, thực tế đau lòng từ những vụ án nêu trên sẽ là bài học để mỗi người, nhất là các bạn trẻ không mắc phải. Nếu phát hiện thấy hành vi vi phạm pháp luật, mọi người hãy thông báo và hợp tác với cơ quan chức năng để pháp luật kịp thời xử lý người phạm tội. Trong trường hợp người phạm tội người thân của mình, việc bạn báo với cơ quan chức năng và khuyên nhủ người phạm tội ra đầu thú, thành khẩn khai báo, tự nguyện sửa chữa lỗi lầm và bồi thường thiệt hại cho người bị hại thì chắc chắn, người phạm tội sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Mai Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội: Hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm thuộc hai dạng. Dạng thứ nhất là do trình độ hiểu biết về pháp luật kém nên không nhận thức được việc im lặng của mình lại là cơ sở cấu thành tội phạm. Dạng thứ hai là do đối tượng hiểu biết pháp luật nhưng do thủ phạm là người thân nên vì sự thân thiết, gắn bó mà cố tình che giấu hành vi phạm tội. Một điều đáng nói là số người phạm vào tội danh trên không phải ít trong các vụ án hình sự. Nhiều bị cáo trong các vụ án hình sự bị truy tố về một trong hai tội danh trên có học thức, nhưng lại thiếu hiểu biết về pháp luật nên khi phạm tội mà không biết.

Trên thực tế, loại tội phạm này đang ở mức đáng báo động, do vậy các cấp, các ngành và gần hơn là chính quyền địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân. Đặc biệt, với những trường hợp khi biết người phạm tội là người thân, người quen thì sẽ biết cách khuyên nhủ người phạm tội ra đầu thú và thành khẩn khai nhận tội để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *