028 3979 8335

Ly hôn – Thực trạng và giải pháp

Hiện nay, để có thể giảm thiểu số vụ ly hôn, cần phải có các giải pháp đồng bộ. Theo quan điểm của chúng tôi, trước hết cần phải giáo dục cho thanh thiếu niên kỹ năng sống, cách ứng xử trong gia đình. Đặc biệt, các tầng lớp thanh thiếu niên cần phải có kiến thức về mặt pháp luật, đặc biệt là kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, để từ đó có thể điều chỉnh được hành vi của mình theo đúng hướng, nhằm cùng chung mục đích và ý chí xây dựng Gia đình “ Dân chủ – Hòa thuận và Hạnh phúc”.
Cũng theo đó, kết quả điều tra về gia đình Việt Nam do Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng Tổng cục Thống kê cho thấy tuổi thọ hôn nhân trung bình của các cặp vợ chồng từ 18 đến 60 tuổi là 9,4 năm, ở các TP lớn chỉ còn tám năm. Tỉ lệ ly hôn ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Ly hôn nhiều nhất ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, thấp nhất là vùng Tây Bắc. Ở Quảng Trị, cũng trong sáu tháng đầu năm 2011, TAND TP Đông Hà đã thụ lý 100 đơn xin ly hôn(cả năm 2010 là 143 vụ), phần lớn là các cặp vợ chồng trẻ tuổi đời dưới 30. Nguyên nhân tập trung ở các lý do bạo lực gia đình, nghiện ma túy, nghiện rượu, cờ bạc và ngoại tình…Cùng thời điểm, TAND TP Vũng Tàu đã thụ lý 496 vụ ly hôn (tăng trên 99 vụ so với cùng kỳ năm 2010). Theo TAND TP Vũng Tàu, điều đáng chú ý là độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa. Nhiều trường hợp vợ chồng mới sống với nhau chỉ một hoặc hai tháng đã đưa nhau ra tòa. Số vụ ly hôn do bạo hành gia đình, ngoại tình có chiều hướng tăng cao. Sáu tháng đầu năm 2011, ngành tòa án tỉnh Yên Bái đã thụ lý 589 vụ ly hôn.
Theo tổng kết, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn là mâu thuẫn lối sống, bạo hành gia đình và nghiện ma túy, rượu chè cờ bạc…Đồng thời cũng theo kết quả một cuộc điều tra cho thấy : Năm 2010, cả tỉnh Đồng Nai có 4.753 vụ ly hôn (tăng 580 vụ so với năm 2009), trong đó xuất phát từ bạo hành gia đình là chủ yếu. Tình trạng này xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn với khoảng 1.000 vụ/năm. Án ly hôn ở Đồng Nai luôn chiếm tỉ lệ trên 40% tổng số các loại án, trong năm năm qua đã tăng từ 10% đến 23%.Theo số liệu của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội, số vụ vợ chồng xin ly hôn đã tăng từ 22.000 vụ năm 1991 lên 44.000 vụ năm 1998. Theo thống kê của toà án nhân dân,năm 2000 có 51.361 vụ vợ chồng xin ly hôn, năm 2001 có 54.226 vụ, năm 2002 có 56.487 vụ, năm 2003 có 60.004 vụ, năm 2005 có 65.929 vụ, năm 2010 , cả nước có 88.591 vụ ly hôn mà trong đó phần lớn do phía người vợ đứng đơn. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ ly hôn cao nhất trong cả nước. Năm 1998, số vụ ly hôn chiếm 20% tổng số các vụ kết hôn, năm 2010 số lượng án ly hôn tại TAND Tp Hồ Chí Minh là khoảng 18.000 vụ trong đó tỷ lệ ly hôn của các đôi vợ chồng trẻ ( độ tuổi 20-30) chiếm hơn 60%Ngày nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế thì quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh những tác động tích cực đến sự phát triển chung của đất nước, quá trình toàn cầu hoá cũng mang theo nó những ảnh hưởng mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống văn hoá, xã hội của các cộng đồng dân cư. Đặc biệt là  lối sống, nhận thức về hôn nhân, gia đình của tầng lớp thanh thiếu niên đang diễn ra rất phức tạp và bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa phương tây.
Trong những năm gần đây, hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân và chung sống trước hôn nhân đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam. Theo một khảo sát ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 12.712 đôi bạn trẻ chung sống trước, kết hôn sau và 10.148 đôi chung sống không kết hôn.
Trong các trường hợp này, phần nhiều là do chưa đủ tuổi kết hôn, do phong tục tập quán lạc hậu, do thiếu hiểu biết về pháp luật. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết ngày 31/12/2002, tại 56/61 tỉnh thành ở nước ta có 929.319 cặp vợ chồng hôn nhân không đăng ký kết hôn đã được rà soát và lập danh sách. Về nguyên nhân của việc không đăng ký kết hôn, 40,6% số người trả lời là “thấy không cần thiết” và 31,2% “không biết có quy định đó” (Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em Việt Nam, 2002).
Những con số trên cho thấy, chính sự thiếu hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật thấp kém, đặc biệt là sự thiếu hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình đã khiến cho một bộ phận giới trẻ xem nhẹ hôn nhân, không coi trọng thiết chế gia đình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *