028 3979 8335

Làm thế nào để không bị khởi tố hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”?

Ông A ở tỉnh B.T hỏi:

Tôi là nhân viên kinh doanh làm việc tại Công ty TNHH MTV H (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, giám đốc là ông M) theo Hợp đồng lao động ký ngày 12/3/2019. Do làm việc lâu năm, tôi được ông M tin tưởng nên đã chỉ định tôi nhận tiền mỗi khi khách hàng thanh toán, nhằm dễ dàng kiểm tra việc thanh toán và giao hàng, hằng tuần tôi sẽ báo cáo và đưa lại tiền cho ông M theo các hợp đồng mà khách đã ký.

Ngày 01/4/2023, tôi có một khách hàng Ký hợp đồng mua bán nội thất tại tỉnh An Giang với giá trị là 200 triệu đồng. Như thường lệ, khách hàng thanh toán trực tiếp cho tôi bằng tiền mặt; nhưng do gia đình tôi đang khó khăn cần tiền gấp nên tôi có xin ông M được giữ lại khoản tiền này để giải quyết việc gia đình, và tôi có hứa sẽ trả lại cho họ sau 2 tháng. Đến ngày hẹn, tôi không có đủ tiền nên vẫn cứ im lặng chờ gia đình xoay sở, ông M cũng không có yêu cầu đòi tôi phải trả.

Ngày 20/10/2023, vì mâu thuẫn trong công việc nên ông M cho tôi nghỉ việc và yêu cầu tôi phải trả lại số tiền trên ngay lập tức. Tôi đã nghỉ việc nhưng chưa có đủ tiền để trả lại cho ông M. Ngày 25/11/2023, ông M làm đơn tố cáo tôi về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Công an. Tôi rất hoang mang và lo lắng, không biết phải làm thế nào để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Rất mong nhận được sự hướng dẫn, tư vấn của Luật sư.

Xin trân trọng cảm ơn.

Chào ông! Cảm ơn ông đã gửi câu hỏi về cho Văn phòng Luật sư Chợ Lớn. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của ông như sau:

Như nội dung ông trình bày, thời điểm ông xin phép ông M được giữ lại 200 triệu từ hợp đồng của khách hàng để xử lý việc gia đình, ông và ông M đã xác lập quan hệ vay tiền bằng miệng, thời hạn vay là 2 tháng, không lãi suất. Ông đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ của bên vay vì không trả đủ tiền khi đến hạn. Do đó, ông M có quyền yêu cầu ông trả nợ thông qua việc khởi kiện ông bằng một vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện nơi ông đang cư trú, làm việc.

Tuy nhiên, việc ông M đã làm đơn tố cáo ông về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là do ông M xác định ông đã vi phạm pháp luật hình sự. Như đã phân tích ở trên, quan hệ giữa hai bên là quan hệ dân sự, hành vi chưa trả nợ của ông khi đến hạn không phải là vi phạm pháp luật hình sự, không cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như đơn tố cáo của ông M (Lưu ý: trường hợp của ông chỉ có thể cấu thành tội ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ khi ông bỏ trốn khỏi địa phương với ý thức chối bỏ trách nhiệm trả nợ.)  

Để minh bạch, rõ ràng, tránh làm vụ việc phức tạp thêm thì ông nên làm các bước sau:

– Bước 1: Ông liên hệ với ông M để trao đổi, đề nghị ông M rút đơn tố cáo, đồng thời đưa ra phương án trả nợ để ông M có thể chấp nhận được.

– Bước 2: Nếu ông M không đồng ý rút đơn tố cáo và hai bên cũng không thống nhất được phương án để ông trả nợ thì thì ông cần tự lập một văn bản xác nhận nợ, trong đó ghi rõ số tiền nợ, thời hạn trả nợ, cam kết trả nợ, và gửi đến ông M thông qua đường bưu điện có báo phát. Sau khi gửi cho ông M, ông nộp cho cơ quan công an nơi ông M đang tố cáo ông một bản và kèm theo phiếu báo phát mà ông đã gửi bưu điện đến nơi cư trú của ông M.

Xin gửi đến ông nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Chợ Lớn, trong trường hợp ông có nhu cầu được tư vấn sâu hơn thì vui lòng liên hệ đến số hotline hoặc đến trực tiếp trụ sở văn phòng.

Xin trân trọng kính chào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *