028 3979 8335

Không yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì Tòa án có phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không?

Chị P.M.T ở huyện T, tỉnh T.G hỏi.      

Ngày 02/8/2023, anh A ký Hợp đồng chuyển nhượng cho tôi quyền sử dụng thửa đất số 354 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Ủy ban nhân dân huyện T cấp ngày 01/12/2013 đứng tên anh A. Ngày 02/10/2023, chị B nộp đơn xin ly hôn với anh A và yêu cầu hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh A và tôi. Tôi có đơn yêu cầu độc lập đề nghị công nhận Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh A nên anh A hoàn toàn có quyền xác lập giao dịch với tôi.

Tuy nhiên, nếu hợp đồng bị vô hiệu mà tôi không yêu cầu tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì tòa án có phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu để đảm bảo quyền lợi của tôi không?

Xin trân trọng cảm ơn.

Chào chị! Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về cho Văn phòng luật sư Chợ Lớn. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của chị như sau:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh thửa đất này là tài sản riêng của anh A thì thửa đất này được coi là tài sản chung của vợ chồng anh A chị B. Việc anh A tự ý định đoạt tài sản chung của vợ chồng mà không có sự bàn bạc hay được sự đồng ý của chị B đã vi phạm Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình, điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015. Do đó, tòa án có thể tuyên hợp đồng này vô hiệu.

Khi giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Do nội dung của chị trình bày chưa xác định Tòa án có giải thích về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu hay không. Nên sẽ có hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1:

Tòa án có giải thích cho chị biết về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu, việc giải thích này đã được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án, nhưng chị vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và sẽ không giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu. Trường hợp này, nếu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu và không giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu trong cùng một vụ án thì chị có quyền khởi kiện anh A bằng một vụ án khác yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu.

Trường hợp 2:

Tòa án không giải thích cho chị biết về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu, trong biên bản và hồ sơ lưu vụ án cũng không thể hiện gì về việc Tòa án đã giải thích hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, thì chị có quyền kháng cáo bản án Sơ thẩm, yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba thì Tòa án vẫn giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu.

Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Phần III Về dân sự Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp vấn đề nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao ngày 07 tháng 4 năm 2017.

Xin gửi đến chị nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Chợ Lớn, trong trường hợp chị có nhu cầu được tư vấn sâu hơn thì vui lòng liên hệ đến số hotline hoặc đến trực tiếp trụ sở văn phòng.

Xin trân trọng kính chào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *