028 3979 8335

Hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất …”giá chuyển nhượng thật” và “giá chuyển nhượng trên hợp đồng” …khi có tranh chấp xử lý sao cho đúng?

Bà: Lê Thị Như Thảo (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) hỏi: Tôi đang bán nhà đất, tôi và người mua nhà thống nhất kê khai giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế. Nếu xảy ra tranh chấp thì Toà án xử lý như thế nào?
 
Vấn đề của Bà được Luật sư – Thạc sĩ Phùng Thị Hoà (Trưởng văn phòng luật sư Chợ Lớn) trả lời như sau: 
Do dữ kiện mà bạn nêu trong câu hỏi không đầy đủ( ai là người tranh chấp? tranh chấp vấn đề gì? Việc mua – bán đã được thực hiện tới giai đoạn nào, mới dừng lại ở giai đoạn ký Hợp đồng công chứng hay đã hoàn tất thủ tục đăng bộ, chuyển tên? ..v…v..) nên chúng tôi rất khó có thể trả lời một cách cụ thể, chính xác và đầy đủ được.Dựa trên cơ sở nội dung câu hỏi mà bạn nêu, chúng tôi chỉ có thể trả lời một số vấn đề mang tính nguyên tắc như sau.

Trên thực tế hiện nay, khi mua bán Nhà – Đất, giữa người mua và người bán thường thỏa thuận ghi giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá  mua bán thực tế. Việc thỏa thuận này liên quan trực tiếp đến số tiền thuế mà mỗi bên phải đóng( thuế thu nhập cá nhân do người bán đóng; thuế trước bạ do người mua đóng). Nếu tranh chấp xảy ra, Tòa án sẽ không căn cứ vào giá ghi trong hợp đồng công chứng và giá mua bán trên thực tế có sự khác biệt để dùng làm căn cứ tuyên hợp đồng mua bán vô hiệu hay hợp đồng mua bán này có hiệu lực pháp luật. Việc tuyên xử giao dịch mua bán này có hợp pháp hay không? Đường lối giải quyết vụ án cụ thể như thế nào( bên nào thắng, bên nào thua) phải căn cứ vào nhiều tình tiết, chứng cứ khác mà các bên đương sự xuất trình trong quá trình giải quyết vụ án, làm căn cứ cho yêu cầu kiện tụng của mình hoặc phản bác yêu cầu kiện tụng của người khác.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình giải quyết vụ án bạn có thể xuất trình hợp đồng mua bán tay trong đó có ghi rõ giá mua bán thực tế nhà- đất, hoặc không có hợp đồng tay ký giữa hai bên với nhau nhưng giá mua bán thực tế được phía bên kia xác nhận thì trong trường hợp này, hợp đồng tay do hai bên ký kết hoặc sự xác nhận của bên kia về giá sẽ được coi là một nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét trong quá trình giải quyết vụ án. Lúc này, giá ghi trong hợp đồng công chứng sẽ không được thừa nhận vì giá ghi trong hợp đồng công chứng không phản ánh đúng ý chí và sự thỏa thuận của hai bên( người mua và người bán) đối với nhà- đất mà hai bên thỏa thuận chuyển giao cho nhau. Trong giao dịch này, đối tượng mà hai bên nhằm tới là nhà- đất và quyền sở hữu nhà- đất. Bên bán sẽ chuyển giao nhà – đất và quyền sở hữu nhà- đất cho bên mua để được nhận một khoản tiền tương ứng với giá trị thật của nhà- đất mà hai bên đã thỏa thuận. Ngược lại, bên mua sẽ nhận nhà- đất và quyền sở hữu nhà- đất và phải giao cho bên bán một khoản tiền tương ứng với giá trị thật của nhà- đất theo thỏa thuận của hai bên.

Như vậy, giá thực tế của nhà- đất có được công nhận hay không? việc mua bán nhà – đất có được coi là hợp pháp hay không? đường lối giải quyết vụ án cụ thể như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào yệu cầu kiện tụng của các bên, vào chứng cứ, tài liệu do các bên Đượng sự cung cấp cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để giải quyết, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Cũng cần lưu ý với bạn, trong thực tế xét xử thường thì các tranh chấp về nhà – đất luôn là những tranh chấp mang tính chấp phức tạp. Do đó,nếu trong quá trình mua bán nhà- đất có xảy ra tranh chấp, bạn nên đến các Văn phòng Luật sư để được tư vấn và hướng dẫn trực tiếp.

Chúc bạn thành công./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *