028 3979 8335

Hòa giải trong thực tiễn pháp lý

Ls Chu Văn Hưng – Văn phòng luật sư Chợ Lớn

1. Hòa giải tranh chấp đất đai:

Theo quy định tại Điều 135 Luật đất đai năm 2003 thì “tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai.

Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn”.

Điều 136 Luật đất đai quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các lọai giấy tờ quy định tại các khỏan 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.

 

Từ những quy định này đã gây ra nhiều hệ lụy không đáng có cho các bên tranh chấp.

Xin được nêu một vài trường hợp :

Thứ nhất:

Luật đất đai quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai nhưng luật đất đai không quy định chế tài đối với trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không chịu tổ chức hòa giải.

Nhiều trường hợp đương sự tranh chấp gửi đơn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã hòa giải nhưng Ủy ban nhân dân và cán bộ tham mưu đã cố tình để kéo dài, không tổ chức hòa giải, không nhận đơn, có trường hợp còn trả lời với đương sự rằng “thời hiệu khởi kiện đã hết, xã không giải quyết” trong khi việc xác định còn thời hiệu hay không là trách nhiệm của Tòa án.

Gặp phải những trường hợp trên, người dân không biết phải khiếu nại đến cơ quan nào và thủ tục, trình tự giải quyết như thế nào.

Trong khi  hòa giải là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện ra Tòa.

Thứ hai : Trên thực tế việc tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra rất nhiều dạng, nhiều kiểu và trong nhiều quan hệ pháp luật khác nhau. Cụ thể như tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng chuyển đổi, chuyện nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất.

Việc xác định lọai tranh chấp nào bắt buộc phải hòa giải ở Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn chưa có quy định, hướng dẫn, dẫn đến sự tùy tiện, cứ tranh chấp liên quan đến đất đai là bắt buộc phải hòa giải làm ách tắc, gây khó khăn hệ lụy cho cả các bên tranh chấp lẫn cơ quan Tòa án. Nhiều lọai tranh chấp không cần thiết phải qua thủ tục hòa giải ở cấp xã vì trên thực tế hòa giải ở cấp xã cũng không giải quyết được vấn đề, dẫn đến thủ tục hòa giải ở cấp xã chỉ là hình thức.

Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực đến nay đã gần chục năm, quy định tranh chấp quyền sử dụng đất bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải ở cấp xã hiện có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau nhưng vẫn chưa có một sự hướng dẫn thống nhất nào giữa cơ quan quản lý và cơ quan tố tụng. Ngay cả cơ quan Tòa án là cơ quan phán xét cuối cùng, quyết định của bản án ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của đương sự nhưng vẫn chưa có sự hướng dẫn nào ngòai công văn 116 ngày 22.7.2004 với nội dung “kể từ ngày 01.7.2004 trở đi, Tòa án chỉ thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí và khởi kiện đến Tòa án”. Hiện có nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau, qua nhiều hội thảo, tập huấn nhưng cũng chỉ dừng lại ở các quan điểm.

Thiết nghĩ :

– Về xác định lọai tranh chấp phải hòa giải :

Các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và các cơ quan tố tụng cần thống nhất có hướng dẫn cụ thể theo hướng chỉ tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mới phải qua thủ tục hòa giải ở cấp xã, còn các tranh chấp khác như tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng, tranh chấp thừa kế, tranh chấp tài sản chung… thì không phải qua thủ tục hòa giải ở cấp xã.

– Cần quy định rõ, trường hợp đương sự đã gửi đơn hợp lệ yêu cầu ủy ban nhân dân cấp xã hòa giải nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được hòa giải thì đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa.

2. Đến hòa giải ly hôn:

Mặc dù Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở trước khi nộp đơn xin ly hôn đến Tòa án ( Luật hôn nhân gia đình chỉ khuyến khích hòa giải ở cơ sở ), thế nhưng không ít trường hợp đương sự khi nộp đơn xin ly hôn đã bị một số Tòa án tại một số địa phương từ chối nhận đơn vì chưa qua hòa giải ở cơ sở. Yêu cầu các đương sự phải về nộp đơn yêu cầu Ủy ban xã hòa giải, Ủy ban xã lại giải thích không cần phải hòa giải vì luật không bắt buộc làm cho đương sự chạy tới chạy lui, không biết đâu mà lần.

Việc không nhận đơn xin ly hôn của đương sự vì chưa hòa giải ở cơ sở là trái pháp luật nhưng khi đương sự khiếu nại ( kể cả lên cấp cao hơn ) thì nhận được trả lời là sự “im lặng”. Luật đã thua lệ, đương sự chỉ còn cách về đòan tụ lại với nhau cho bỏ tức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *