Bạn Dương Thị Dung (Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) hỏi:
Tôi có cho một người bạn vay một số tiền( có lãi suất và có thỏa thuận về thời hạn trả nợ). Mặc dù đã quá thời hạn trả nợ và tôi cũng đã đòi nhiều lần nhưng người đó vẫn không chịu trả cho tôi bất kỳ khoản tiền nào( kể cả tiền lãi và tiền gốc). Tôi đã lấy chiếc xe SH của người đó mang về cất giữ tại nhà với mục đích là để cấn trừ nợ. Vậy việc làm của tôi có được pháp luật bảo vệ hay không? Nếu vi phạm pháp luật thì tôi có bị xử phạt không?
Vấn đề của bạn được Thạc sĩ _ Luật sư Phùng Thị Hoà (Trưởng Văn phòng Luật sư Chợ Lớn) trả lời như sau:
Trong trường hợp bạn hỏi, ở đây đã hình thành 2 quan hệ pháp luật, được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nhau; cụ thể:
- Đối với việc bạn cho vay tiền, đã hình thành quan hệ vay tài sản, được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự. Do, người vay đến thời hạn trả nợ mà không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa, để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
- Việc bạn cầm giữ xe của người vay tiền với mục đích cấn trừ nợ mà không dựa trên cơ sở tự nguyện của người có tài sản là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự – Tội: Cưỡng đoạt tài sản; có khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù nếu chiếc xe SH có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
Do hành vi của bạn đã cấu thành tội phạm về mặt hình sự, nên ngay lập tức bạn nên giao trả lại chiếc xe cho chủ sở hữu. Nếu chủ sở hữu làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bạn tới Cơ quan cảnh sát điều tra thì đây sẽ là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt đối với bạn khi Tòa án tiến hành xét xử.
Hy vọng qua tư vấn sẽ giúp bạn ý thức và thấy rõ được tính chất và mức độ nghiêm trọng do hành vi kém hiểu biết pháp luật của bạn gây ra. Mong bạn giải quyết sự việc một cách tốt nhất.