028 3979 8335

Luật tố tụng hành chính: Những bước tiến mới trong cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay

Chuyên viên tư vấn pháp lý _  Ngô Thanh Sơn (VPLS Chợ Lớn)

Quốc hội đã ban hành Luật Tố tụng hành chính, thay thế cho Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sau đây gọi là Pháp lệnh). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.

Luật Tố tụng hành chính được thông qua với 18 chương và 265 Điều, quy định nhiều nội dung mới cũng như bãi bỏ nhiều nội dung quan trọng trong Pháp lệnh, theo hướng mở rộng quyền dân chủ của công dân khi khởi kiện vụ án hành chính. Đây là một bước tiến mạnh mẽ theo tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Mặc khác, đây cũng là một bước ngoặt rất quan trọng đánh dấu sự tiến bộ trong tố tụng nói chung và tố tụng hành chính nói riêng, lần đầu tiên tố tụng hành chínhViệt Nam được chính thức ghi nhận dưới hình thức một đạo luật.

A. Khái quát chung những điểm mới trong Luật tố tụng hành chính so với pháp lệnh:

Luật Tố tụng hành chính (TTHC) quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTHC.

Quy định về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền của tòa án là một trong những điểm mới quan trọng của Luật TTHC so với Pháp lệnh thủ tục hành chính. Luật TTHC quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND.

Luật TTHC quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

Luật Tố tụng hành chính khắc phục được những tồn tại, cụ thể nếu người dân, doanh nghiệp không đồng tình với quyết định hành chính của cơ quan nhà nước nào đó thì họ có thể khởi kiện ra toà án mà không cần phải qua các bước giải quyết khiếu nại nào như trước đây. Luật Khiếu nại Tố cáo năm 2005 quy định người dân có thể thực hiện khiếu nại qua hai cấp, nếu cơ quan giải quyết khiếu nại không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng thì người dân có quyền khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra toà.

Trước đây người dân chỉ có thể khởi kiện khi quyết định hành chính có đầy đủ cả về nội dung lẫn hình thức, văn bản đó phải là quyết định. Nay chỉ cần các quyết định được thể hiện dưới dạng một văn bản chứa đựng nội dung quyết định hành chính, đều được coi như quyết định hành chính, hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Nếu người dân thấy không thoả đáng thì họ có thể khởi kiện ra toà án trong thời hiệu luật định.

Đây là điểm mới cơ bản của Luật TTHC nhằm mở rộng quyền lựa chọn phương thức giải quyết khiếu kiện hành chính của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Quy định như vậy nhằm dành cho người khởi kiện quyền tự do lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện.

Luật TTHC quy định về thời hiệu khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhưng từng trường hợp mà thời hiệu khởi kiện khác nhau. Luật TTHC cũng quy định về quy trình giải quyết vụ án hành chính; nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong quá trình tố tụng; thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và việc yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời…

Thời hiệu khởi kiện được thay đổi, thời hiệu được quy định trong Luật Tố tụng hành chính là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính; 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Mở rộng các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án: Khác với Pháp lệnhthủ tục giải quyết các vụ án hành chính trong việc xác định những loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nay Luật Tố tụng hành chính không quy định theo hướng liệt kê 21 loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà quy định theo hướng loại trừ những vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án, số còn lại sẽ do Tòa án giải quyết. Theo đó, những loại việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án bao gồm: các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Phân biệt thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện: Trong trường hợp người khởi kiện vừa có đơn khởi kiện, vừa có đơn khiếu nại, thì thẩm quyền giải quyết sẽ được xác định theo sự lựa chọn của người khởi kiện.

Trước đây, chỉ có 22 loại quyết định hành chính có thể bị khởi kiện thì nay người dân có quyền khởi kiện ra toà án hầu như tất cả mọi lĩnh vực. Chính vì vậy các cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực, trách nhiệm trong quá trình giải quyết, xử lý công việc./.

B. Những điểm mới của Luật tố tụng hành chính 2010

 

1. Bỏ thủ tục “tiền tố tụng”:

Một trong những nội dung cơ bản, quan trọng nhất trong Luật Tố tụng hành chính là bãi bỏ thủ tục tiền tố tụng – thủ tục bắt buộc đối với người khởi kiện trước khi khởi kiện vụ án hành chính theo Pháp lệnh trước đây. Theo đó, công dân không phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thời hiệu khởi kiện theo đó cũng thay đổi và không còn phức tạp như trong Pháp lệnh.

Thời hiệu được quy định trong Luật Tố tụng hành chính lần lượt là (i) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; (ii) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; (iii) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

2. Mở rộng các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án

 

Khác với Pháp lệnh trong việc xác định những loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nay Luật Tố tụng hành chính không quy định theo hướng liệt kê 21 loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà quy định theo hướng loại trừ những vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án, số còn lại sẽ do Tòa án giải quyết. Theo đó, những loại việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án bao gồm: các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Phân biệt thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện

Trong trường hợp người khởi kiện vừa có đơn khởi kiện, vừa có đơn khiếu nại, thì thẩm quyền giải quyết sẽ được xác định theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Điều này làm tăng thêm quyền tự do cho công dân và khác hoàn toàn với việc phân định thẩm quyền trong trường hợp tương tự được quy định trong Pháp lệnh. Cụ thể pháp lệnh quy định luôn thẩm quyền cho Tòa án nếu người khởi kiện vừa khởi kiện vừa khiếu nại, còn nếu nhiều người vừa khởi kiện vừa khiếu nại lần hai thì thẩm quyền thuộc người giải quyết khiếu nại lần 2 (Điều 13 Pháp lệnh).
Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực từ 01/07/2010, đồng thời Luật này cũng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Đất đai.

3. Những quy định mới về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong Luật Tố tụng hành chính

Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong phạm vi chức năng của mình, Viện kiểm sát có nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, bảo đảm để mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (Pháp lệnh TTGQCVAHC) (được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 1998 và năm 2006) quy định Viện kiểm sát có vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (Điều 10) và là cơ quan tiến hành tố tụng; Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng. Khi thực hiện chức năng của mình, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: Khởi tố vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 18); triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (các Điều 24, 25 và Điều 33); tham gia phiên toà xét xử vụ án hành chính (các Điều 18, 43 và Điều 63); thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.

Sau 14 năm thi hành Pháp lệnh TTGQCVAHC, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính (Luật này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010, Chủ tịch Nước ký lệnh công bố ngày 07/12/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011). Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) đã kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ở nước ta từ trước đến nay, thể chế hoá các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp trong hoạt động giải quyết các vụ án hành chính. Trong đó, tiếp tục quy định và có nhiều nội dung đổi mới quan trọng liên quan đến vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính.

Ø  Về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính:

Theo quy định của Luật TTHC, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính được khẳng định rõ: Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính, có chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật (Điều 23 và Điều 34).

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 cũng quy định rõ, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hành chính là một khâu công tác thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 3).

Căn cứ vào các quy định của Luật TTHC và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, có thể xác định một số đặc điểm của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính như sau:

Thứ nhất, phạm vi kiểm sát các vụ án hành chính của Viện kiểm sát là từ khi Toà án tiến hành thủ tục thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án;

Thứ hai, đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính là sự tuân thủ pháp luật của Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án và của những người tham gia tố tụng.
Thứ ba, mục tiêu của hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính là; bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính đúng pháp luật, kịp thời; qua đó, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Ø  Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính

Các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính cụ thể như sau:

Một là, kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính của Toà án (khoản 1 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân);
Hai là, tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ án hành chính ở các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt theo quy định của Luật TTHC (các Điều 23, 130, 170, 194, 220 và Điều 238 Luật TTHC);

Ba là, tham gia hỏi người khởi kiện, người bị kiện và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (các Điều 160, 204, 223 và Điều 238 Luật TTHC);

Bốn là, kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên toà, phiên họp của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng (khoản 1 và khoản 2 Điều 40 Luật TTHC và khoản 5 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân);

Năm là, kiểm sát các bản án và quyết định giải quyết vụ án hành chính của Toà án (khoản 4 Điều 40 Luật TTHC và khoản 6 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân);
Sáu là, kiến nghị với Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 70 Luật TTHC);

Bảy là, yêu cầu Toà án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án (khoản 3 Điều 78 Luật TTHC);

Tám là, thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án để phục vụ việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 3 Điều 78 Luật TTHC);

Chín là, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính của Toà án theo quy định của Luật TTHC (các Điều 181, 212 và Điều 235 Luật TTHC);

Mười là, yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 213 Luật TTHC); quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án khi đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 213, 235 Luật TTHC);

Mười một là, thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị với Toà án nhân dân khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án hành chính nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 22 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân);

Mười hai là, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó (Điều 239 Luật TTHC).

Ø  Về những điểm mới của Luật Tố tụng hành chính liên quan đến vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính

So với Pháp lệnh TTGQCVAHC năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung các năm 1998, 2006), vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính theo Luật TTHC có một số thay đổi, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật TTHC không quy định quyền khởi tố vụ án hành chính của Viện kiểm sát đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất liên lạc hành vi dân sự (quyền này hiện đang được quy định tại Điều 18 Pháp lệnh TTGQCAHC); thay vào đó, khoản 3 Điều 23 Luật TTHC quy định “đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu họ không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi người đó cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó”.

Thứ hai, Luật TTHC không quy định quyền thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát như: Quyền triệu tập người làm chứng, quyền trưng cầu giám định, quyền yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Viện kiểm sát (hiện đang được quy định tại các Điều 24, 25, 33 Pháp lệnh TTGQCVAHC); thay vào đó, Luật TTHC chỉ quy định “Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Toà án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án”. Viện kiểm sát chỉ tự mình thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án (khoản 3 Điều 78). Chúng tôi cho rằng, việc Luật TTHC không quy định các quyền của Viện kiểm sát trong việc triệu tập người làm chứng, quyền trưng cầu giám định, quyền yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… là phù hợp với nguyên tắc về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính, theo đó, nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ thuộc về người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Thứ ba, Luật TTHC quy định phân biệt nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm vụ án hành chính (Pháp lệnh TTGQCVAHC và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định chung ở tất cả các thủ tục xét xử là “Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án”), cụ thể là:

– Tại phiên toà sơ thẩm, Điều 160 Luật TTHC quy định “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”.

– Tại phiên toà phúc thẩm, khoản 3 Điều 204 Luật TTHC quy định “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm”; tại phiên họp giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính của Toà án cấp sơ thẩm, khoản 3 Điều 207 Luật TTHC quy định “Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm và phát biểu ý kiến về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định”.

– Tại phiên toà giám đốc thẩm, khoản 3 Điều 223 Luật TTHC quy định “Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án”.

Thứ tư, Luật TTHC quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; trong đó, quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trong hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định. Đây là một quy định hoàn toàn mới trong tố tụng tư pháp nói chung và tố tụng hành chính nói riêng.

Luật TTHC cũng quy định rõ, khi có kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo báo Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị; trường hợp Hội đồng Thẩm phán không nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; phiên họp của Hội đồng Thẩm phán xem xét kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *