Luật sư: Chu Văn Hưng (Văn phòng luật sư Chợ Lớn)
Luật thi hành án hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực kể từ ngáy tháng 7 năm 2011.
Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Khoản 4 Điều 3 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định :
“Thi hành án tử hình là việc cơ quan có thẩm quyền tước bỏ quyền sống của người chấp hành án theo quy định của Luật này”.
Theo quy định hiện hành của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao .
Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định quyền của người bị kết án trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Bản án tử hình sẽ được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm của người phải chấp hành án.
Thẩm quyền ra quyết định thi hành án tử hình.
Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình ( Tòa cấp tỉnh ). Quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ tên , chức vụ của người ra quyết định; bản án , quyết định được thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án tử hình.
Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, quyết định thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp ( Viện kiểm sát cấp tỉnh và Công an cấp tỉnh ); Trại tạm giam nơi người chấp hành án bị giam, giữ và Sở tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.
Thành lập Hội đồng thi hành án tử hình
Ngay khi có quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cử đại diện tham gia Hội đồng thi hành án tử hình. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án tử hình, Chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án phải thành lập Hội đồng thi hành án tử hình do Chánh án hoặc Phó Chánh án làm chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng thi hành án tử hình có các quyền hạn và nhiệm vụ như sau:
– Quyết định kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành án.
– Tổ chức kiểm tra các điều kiện về người chấp hành án tử hình theo quy định của pháp luật.
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thi hành án; Yêu cầu đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức hỗ trợ bảo đảm an toàn việc thi hành án trong trường hợp cần thiết.
– Điều hành việc thi hành án theo kế hoạch.
– Thông báo kết quả thi hành án cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự.
Hình thức và trình tự thi hành án tử hình
Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc.
Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc do Chính phủ quy định .
Trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án tử hình phải kiểm tra danh bản, chỉ bản, hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình, trường hợp người chấp hành án là nữ thì Hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình ( không tử hình phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi ).
Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.
Trình tự thi hành tử hình:
– Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc cảnh vệ tư pháp ( quân đội ) thực hiện áp giải người chấp hành án đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình.
– Cán bộ chuyên môn thuộc Công an ( hoặc quân đội ) tiến hành lăn tay, kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan; chụp hình, ghi hình quá trình làm thủ tục lăn tay, kiểm tra và lập biên bản; báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra.
– Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Cảnh sát hỗ trợ tư pháp giao các quyết định trên cho người chấp hành án tự đọc ( nếu không tự đọc được Hội đồng thi hành án phải chỉ định người đọc hoặc phiên dịch ). Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm lưu vào hồ sơ.
-Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, cán bộ chuyên môn do cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh thực hiện việc thi hành án và báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng.
– Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sỹ pháp y xác định tình trạng của người đã bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.
– Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản thi hành án; báo cáo quá trình và kết quả thi hành án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự.
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh làm thủ tục khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án.
– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm bảo quản tử thi, tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ người đã bị thi hành án.
– Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày thi hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thông báo cho thân nhân của người đã bị thi hành án biết.
– Chi phí cho việc tổ chức thi hành án tử hình do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Giải quyết việc xin nhận tử thi của gia đình
Theo quy định tại Điều 60 Luật thi hành án hình sự, trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người chấp hành án được làm đơn ( có xác nhận của Ủy ban cấp xã ) gửi Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi của người chấp hành án để an táng. Nội dung đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận tử thi, quan hệ với người chấp hành án; cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Tuy nhiên việc cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi là do Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm xem xét quyết định căn cứ vào tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
Trường hợp thân nhân được nhận tử thi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo cho người có đơn đề nghị ngay sau khi thi hành án để đến nhận tử thi về an táng. Việc giao nhận tử thi phải được thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi thông báo và phải được lập thành văn bản. Quá 24 giờ mà người có đơn đề nghị không đến nhận tử thi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm an táng, sau ba năm kể từ ngày thi hành án, thân nhân của người thi hành án được làm đơn ( có xác nhận của chính quyền địa phương ) nhận hài cốt và phải chịu mọi chi phí theo quy định của pháp luật.
Luật sư Chu Văn Hưng
Văn phòng Luật sư Chợ Lớn