Thi hành công vụ và giới hạn nào cho người thi hành công vụ
Vừa qua dư luận xôn xao vụ cảnh sát đánh hai thiếu niên diễn ra tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Trong quá trình thi hành công vụ, những chủ thể này được nhà nước trao quyền để có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ, vũ khí để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm nhưng lạm dụng chức vụ, quyền hạn và vượt quá giới hạn trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
Hoạt động công vụ và người thi hành công vụ
Hoạt động công vụ là hoạt động do những cá nhân được Nhà nước giao quyền dựa trên quy định pháp luật nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước hướng tới lợi ích chung của nhà nước, xã hội, của các tổ chức và cá nhân. Đây là hoạt động có tính tổ chức cao, được tiến hành thường xuyên, liên tục theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định và được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước.
TạiNghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trong đó có nói rõ khái niệm người thi hành công vụ: Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dânđược cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang là chủ thể chính thực thi các hoạt động công vụ thì một số cá nhân vẫn được giao những nhiệm vụ, quyền hạn trong những trường hợp nhất định như người lao động trong các cơ quan nhà nước, những người hoạt động không chuyên trách hay các lực lượng tại cấp cơ sở như bảo vệ dân phố, dân phòng… cũng được xác định là người thi hành công vụ.
Giới hạn nào cho người thi hành công vụ
Mọi hoạt động của cán bộ, công chức được quy định rõ tại Điều 3 Luật cán bộ, công chức 2008 tức là phải hướng tới việc phục vụ và bảo vệ lợi ích nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người thi hành công vụ phải tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình thi hành công vụ. Khi thực thi nhiệm vụ được nhà nước giao thì người thi hành công vụ chính là “Nhà nước” nên mọi hành vi chống đối, cản trở cho dù có gây thiệt hại, hậu quả vẫn là hành vi chống người thi hành công vụ.
Về nguyên tắc, người thi hành công vụ chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Hiểu một cách đơn giản, pháp luật vẽ một vòng tròn tức là đặt ra giới hạn cho người thi hành công vụ để xác định những quyền hạn của họ. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao thì những người thi hành không phép vượt qua khỏi vòng tròn đó mà còn phải đảm bảo thực hiện hoạt động công vụ đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật
Bộ luật Hình sự xác định “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”. Luật xử lý vi phạm hành chính cũng khẳng định: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.”
Có thể thấy, trong quá trình thi hành nhiệm vụ, người thi hành công vụ khi phát hiện các hành vi trái luật hay các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đều phải nhanh chóng ngăn chặn và xử lý kịp thời theo đúng quy định. Tuy nhiên, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã xác định rất rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Như vậy, mặc dù có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, vũ lực, công cụ, vũ khí để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm nhưng người thi hành công vụ cũng không được phép lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để xâm phạm sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người vi phạm pháp luật, cho dù người đó đã thực hiện hành vi phạm tội.
Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ đã xác định: “Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.”
Hành lang pháp lý đã có nhưng vấn đề đặt ra là người thi hành công vụ phải nhận biết được hành vi trái luật đang diễn ra có dấu hiệu của vi phạm pháp luật nào? Vi phạm pháp luật hành chính hay vi phạm pháp luật hình sự ? Từ cơ sở này, người thi hành công vụ sẽ phải lựa chọn những hành động và công cụ phù hợp để kịp thời ngăn chặn, xử lý nhanh chóng và khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người thi hành công vụ sử dụng các biện pháp trấn áp quá nghiêm khắc với người vi phạm pháp luật hành chính như vi phạm luật giao thông đường bộ. Ngược lại, đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng nhưng lại nhân nhượng, chưa kiên quyết, gây thiệt hại cho người dân thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.
Tham khảo tại Mỹ, để phục vụ công tác trấn áp tội phạm và đảm bảo trật tự, lực lượng cảnh sát được trang bị nhiều công cụ và vũ khí như dùi cui, súng điện, bình xịt hơi cay, súng ngắn và cả súng trường. Tùy theo tình huống thực tế, người cảnh sát sẽ quyết định sử dụng loại công cụ hay vũ khí phù hợp để trấn áp và khống chế đối tượng vi phạm.
Về phía người dân cũng được tuyên truyền rõ về quy tắc ứng xử khi có yêu cầu kiểm tra từ cảnh sát: khi cảnh sát tiếp cận người ngồi trên xe hơi thì người bị kiểm tra cần đặt tay trên vô lăng hay để ở nơi cảnh sát có thể quan sát. Trong quá trình giao tiếp cần phải thận trọng trong từng hành động để tránh những hành vi đáng ngờ, do pháp luật cho phép cảnh sát có quyền nổ súng trước nếu như họ đánh giá đối tượng có hành vi như đang rút súng để bảo vệ người thi hành công vụ. Dĩ nhiên, mọi hoạt động đều phải được camera, máy ghi âm trên xe và trên người cảnh sát ghi nhận lại để làm bằng chứng đánh giá vụ việc về sau.
Chuẩn mực, quy tắc ứng xử phù hợp của các bên
Có thể thấy, pháp luật hiện hành đã có những quy định về hành vi chống người thi hành công vụ cũng như các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi này. Về phía ngược lại, pháp luật về cán bộ, công chức và các bộ ngành cũng đã ban hành các quy tắc ứng xử cho lực lượng thi hành công vụ riêng cho ngành để tạo chuẩn mực, quy định trong giao tiếp, ứng xử với người dân.
Nhưng, nhiều nơi, nhiều lúc, bản thân người thi hành công vụ chưa nhận thức đầy đủ, chưa được rèn luyện các kỹ năng ứng xử trong các tình huống thực tiễn nên dẫn đến những trường hợp đáng tiếc như tại Sóc Trăng. Bên cạnh đó, những người có hành vi vi phạm cũng chưa nhận thức đúng về sai phạm của mình cũng như hậu quả có thể xảy ra nếu như cố tình trốn tránh, thậm chí chống trả người thi hành công vụ.
Thực tế nhiều trường hợp chỉ là những vi phạm hành chính nhưng chính hành động thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết pháp luật đã dẫn tới việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chống người thi hành công vụ.
Có thể thấy, việc ban hành các quy định chi tiết, những quy tắc ứng xử trong quá trình thực thi công vụ để hình thành các chuẩn mực, quy tắc xử sự cho các bên tham gia vào mối quan hệ giữa người dân và người thi hành công vụ là yêu cầu hết sức cấp thiết. Song song đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và người thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ do nhà nước giao phó.
Một xã hội chỉ có thể phát triển ổn định khi mỗi thành viên đều nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân, biết rõ đâu là giới hạn của mình để có những ứng xử phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân nhưng cũng không xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội cũng như của nhà nước.