Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường
Trên thực tế việc cho thuê lao động đã diễn ra giữa các doanh nghiệp, các Công ty cung ứng lao động trong vài năm gần đây. Việc cho thuê lao động nhìn chung đã giúp một số doanh nghiệp giảm được chi phí trong khâu tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, ký hợp đồng thử việc, trả lương cho người lao động thấp hơn so với mức lương của người lao động làm cùng công việc tại doanh nghiệp hay đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến lao động trong một thời gian ngắn ở mùa vụ sản xuất…nhưng bên cạnh đó cũng phát sinh không ít vấn đề liên quan đến tranh chấp lao động về tiền lương, bồi thường thiệt hại xảy ra trong quá trình lao động…bởi người lao động ký hợp đồng lao động với một Công ty nhưng lại làm việc ở một Công ty khác mà những Công ty ký hợp đồng lao động lại không có chức năng kinh doanh ngành nghề đặc thù, được phép cử người lao động làm việc ở nơi khác ví dụ như Công ty dịch vụ bảo vệ. Khi có tranh chấp lao động xảy ra thì căn cứ Bộ lật lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002 lại không có quy định về việc “ Cho thuê lao động”. Như vậy, giữa thực tế trong việc sử dụng lao động và quy định của pháp luật đã có sự bất cập.
Do đó, để đáp ứng tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của người lao động cho thuê lại, bên cho thuê lao động, bên thuê lao động nên Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật lao động sửa đổi năm 2012 với những quy định mới, phù hợp và đáp ứng được tình hình thực tế về vấn đề này; cụ thể:
– Chương III, Mục 5 quy định về cho thuê lại lao động.
Mục này gồm 6 Điều (từ Điều 53 Đến điều 58). Trong đó quy định những vấn đề cơ bản về hình thức sử dụng lao động; quyền và trách nhiệm của người cho thuê lại lao động, người thuê lại lao động và người lao động được thuê lại; Hợp đồng cho thuê lại lao động…
Cụ thể Điều 53 Bộ luật lao động quy định rõ về cho thuê lại lao động “1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi một doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho một người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. 2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định” .
Điều 54 quy định về Doanh nghiệp cho thuê lại lao động “1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động. 2. Thời hạn thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng…”
Điều 55 quy định về Hợp đồng cho thuê lại lao động “1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên sử dụng lao động thuê lại phải ký hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản, lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản…3. Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với người lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại đã ký với người lao động…”
Điều 56 quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động “4…Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại ít nhất không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau…”…
Với những quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện và quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã hạn chế được sự tùy tiện về cho thuê lại lao động của các doanh nghiệp không có chức năng cho thuê lao động. Đồng thời cũng đảm bảo được quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động thuê lại nhằm hạn chế những tranh chấp lao động đáng tiếc có thể xảy ra.