028 3979 8335

Cover bài hát của người khác có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không

Cover bài hát tức là bài hát được làm lại hoặc hát lại từ một ca khúc đã hát và thu âm trước đó. Cover bài hát đang là trào lưu của giới trẻ đối với các ca khúc mà thu hút nhiều lượt nghe và cũng là lựa chọn của nhiều ca sĩ mới vào nghề, kể cả ca sĩ có tiếng muốn đến gần với khán giả hơn. Tuy nhiên, từ việc cover bài hát cũng xuất hiện không ít lùm xùm khi nhiều cá nhân thực hiện cover bài hát bị chính chủ tác giả bài hát tố vi phạm tác quyền, cover bài hát mà không mà xin phép tác giả. Điều này khiến cho nhiều người thắc mắc liệu cover bài hát của người khác có cần phải xin phép hay không?

Về cơ sở pháp lý

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019

Nghị định 22/2018/NĐ-CP

Về khái niệm quyền sở hữu trí tuệ

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì đối tượng của quyền tác giả được bảo hộ bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Tác phẩm nghệ thuật theo khoản 1 Điều 14 luật này bao gồm tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu… Mà tác phẩm âm nhạc theo Điều 10 Nghị định 22/2018 là  tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Từ đó, có thể thấy bài hát chính là tác phẩm được định hình trên bản ghi âm hoặc ghi hình có lời nên là một loại tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới dạng đối tượng của quyền tác giả.

Về việc cover lại bài hát của người khác và các vấn đề pháp lí liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ

Có thể thấy rằng, việc cover bài hát đã phát hành đang rất phổ biến hiện nay. Đặc biệt là các ca khúc mới của các ca sĩ chuyên nghiệp thực hiện được cover lại chủ yếu đăng Facebook, YouTube hoặc các trang mạng xã hội khác hoặc được biểu diễn trên các sân khấu lớn…

Trên mạng xã hội, báo chí thời gian gần đây xuất hiện một số lùm xùm liên quan đến một số ca sĩ nổi tiếng chưa xin phép nhưng đã biểu diễn ca khúc thuộc quyền quyền tác giả của ca sỹ và tác giả khác.

Vậy, khi cover bài hát của người khác cần chú ý những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như sau:

– Thứ nhất, việc cover lại bài hát là việc các bạn hát lại, biểu diễn lại ca khúc của các ca sỹ chuyên nghiệp; đây là dạng của tác phẩm phát sinh.

– Thứ hai, hầu như các tác phẩm âm nhạc do các ca sĩ biểu diễn đều được bảo hộ bởi quyền tác giả, do đó khi quay video hát hay biểu diễn lại bài hát và đăng lên các mạng xã hội như Facebook, Youtube,… là đã vi phạm quyền tác giả.

– Thứ ba, để không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì khi cover các bạn cần xin phép tác giả (người đã viết ra bài hát) hoặc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền (là ca sĩ biểu diễn lại ca khúc đó), nếu được cho phép thì việc các bạn mới thực hiện cover bài hát.

– Thứ tư, các trường hợp cover không cần xin phép bao gồm cover bài hát nhằm phục vụ cho việc giảng dạy, hát trong buổi biểu diễn không thu phí…. nhằm mục đích phi lợi nhuận không ảnh hưởng đến tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền.

– Thứ năm, phải ghi đầy đủ thông tin về tên và nguồn bài hát bạn cover lại.

Về xử lý vi phạm

Trường hợp cover bài hát của người khác mà không xin phép có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đến 15.000.000 và buộc dỡ bỏ tác phẩm trên tất cả các trang mà bạn đã đăng tải.

Lưu ý: Trước khi muốn cover lại bài hát đăng tải lên các trang mạng xã hội, để tránh rủi ro pháp lý cho mình nên xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền tác phẩm đó.

                                                                                                                                         Nguyễn Anh Vũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *