028 3979 8335

Án hành chính và thực tiễn xét xử

                                                                           Ths.Ls Phùng Thị Hoà – VPLS Chợ Lớn

Hiện nay, nhà nước, bằng pháp luật đã trao cho cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức quyền được khiếu nại, khiếu kiện hành chính đối với những quyết định hành chính và hành vi hành chính mà họ cho là trái pháp luật của cơ quan nhà nước, của thủ trưởng, cán bộ, viên chức nhà nước. Và từ những quyết định và hành vi này mà quyền và lợi ích hơp pháp của họ đã bị xâm hại.

Trên thực tế, với xu thế cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của cơ quan nhà nước, của tổ chức ngày càng được tôn trọng thì việc khiếu nại, khiếu kiện hành chính ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện. Hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện còn nhiều điều còn phải “bàn”. Trong bài viết này, tôi chỉ đi vào một khía cạnh của vấn đề: “Bàn” về việc giải quyết án kiện của Tòa án trong các vụ án Hành chính.

Ai cũng biết, một nguyên tắc trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, của Hội đồng xét xử là : Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Rằng: Người khởi kiện án hành chính và người bị kiện là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng từ ngàn xưa nhân dân ta đã có câu “ con kiến mà kiện củ khoai” để nói lên thân phận người khởi kiện” “người bị kiện”. Tuy ngày nay, câu thành ngữ “ con kiến mà kiện củ khoai” không còn hoàn toàn đúng nhưng ở một góc độ nào cũng đã phản ánh thực trạng của việc giải quyết án hành chính. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là “ quyền độc lập” xét xử của Tòa án trong một số trường hợp cụ thể, chỉ mang tính hình thức. Qua thực tế xét xử, chúng tôi thấy rằng: Ở những vụ án mà ở đó “người bị kiện” lại là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương( UBND hoặc Chủ tịch UBND các cấp) thì “ quyền độc lập “ xét xử của Tòa án không còn có ý nghĩa thực tế nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét xử vì lúc này tính khách quan, đúng pháp luật sẽ không còn nữa. Để lý giải vấn đề này, một số Thẩm phán cho biết: Bất kỳ Thẩm phán nào cũng phải trải qua nhiều lần phải “ tái bổ nhiệm thẩm phán” , mà “ người quyết định Thẩm phán đó có được tái bổ nhiệm hay không lại phụ thuộc vào UBND các cấp. Chưa kể,  nào là xin đất xây trụ sở, hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị làm việc… vv…

Có thể đơn cử một vài vụ án hành chính mà ở đó sự phụ thuộc và “ run tay” của các Thẩm phán thể hiện khá rõ.

Người khởi kiện: Bà Đ.T. H

Người bị kiện     UBND Quận T.B – TP. HCM.

Nội dung vụ kiện như sau : Vào năm 1975, bà H mua căn nhà mang số 02 – đường Phạm Phú Thứ – Phường 11- Quận T.B, với diện tích khuôn viên ngang 4,2m, dài 23,2m. Đã qua chứng thực mua bán của UBND Xã Phú Thọ Hòa. Đến năm 2002, bà H được UBND quận T.B cấp giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở. Ngày 29/08/2007, bà H được cấp Giấy phép xây dựng và đã xây dựng lại mới căn nhà trong khuôn viên đất đã được xác địnhNhưng đến ngày 06/11/2008, bà H nhận được quyết định của UBND quận T.B V/v Thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở của gia đình bà.  Sau khi làm đơn khiếu nại và bị UBND quận T.B ra quyết định bác đơn khiếu nại. Bà H đã nộp đơn khởi kiện ra TAND quận T.B , khiếu kiện việc UBND quận T.B đã ra quyết định thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất của bà một cách trái pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà H có đủ cơ sở và chứng cứ pháp lý chứng minh UBND quận T.B ra quyết định nói trên là không  có căn cứ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà và gia đình bà. Phía người bị kiện- UBND quận T.B cũng thấy được quyết định thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở đối với bà H là không có căn cứ. Thẩm phán phụ trách vụ án đã nhiều lần hoãn phiên tòa, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, tạo điều kiện cho UBND quận T.B tự thu hồi và hủy bỏ quyết định của mình. Tuy nhiên,  UBND quận T.B vẫn không tự thu hồi và hủy bỏ quyết định mà làm đơn xin xét xử vắng mặt. Mặc dù thời gian giải quyết vụ án  kéo dài  đã 03 năm, Tòa án đã đã lên lịch xét xử và tiến hành mở phiên tòa đến 04 lần, Luật sư đã phát biểu luận cứ bảo vệ người khởi kiện, Viện Kiểm Sát đã phát biểu ý kiến nhưng sau khi nghị án, Hội đồng xét xử vẫn không thể tuyên án mặc cho vụ án vẫn không có gì mớiCho đến nay vụ án vẫn chưa có hồi kết.

Trở lại vụ án khiếu kiện hành chính ở Tiên Lãng mà báo chí thời gian gần đây đã liên tục đề cập. Phải chăng các Thẩm phán ở Tòa án huyện Tiên Lãng yếu kém về trình độ chuyên môn hay là vì một lý do nào khác? Nếu giả sử không có việc ông Vươn có hành vi “ chống người thi hành công vụ” ? Nếu báo chí không vào cuộc liệu việc làm sai trái của các Thẩm phán có được phát hiện? Liệu vụ án có được xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm? Có thể nói đã có hàng chục, hàng trăm vụ án khiếu kiện hành chính người khởi kiện đã thực sự trở thành” con kiến” mà kiện “ củ khoai”. Hoàn toàn không thể có một kết thúc có hậu như vụ án ở Tiên Lãng.

Hy vọng với xu thế các cách và hội nhập, trong tương lai, trongcác vụ án khiếu kiện hành chính, người khởi kiện sẽ không phải rơi vào trường hợp “con kiến” mà kiện “ củ khoai” nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *