Hợp đồng là một trong những định pháp lý có bề dày lịch sử. Ngay từ khi xã hội loài người có sự phân công lao động và hình thức trao đổi hàng hóa, hợp đồng đã hình thành và giữ một vị trí quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ tài sản. Tuy nhiên, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời đảm bảo về mặt pháp lý cho các bên tham gia ký kết hợp đồng thì cần phải tuân thủ các nguyên tắc đặc biệt là tự do hợp đồng.
Đã từ lâu pháp luật về hợp đồng chiếm một vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bởi vì, hầu hết các giao dịch trong xã hội, dù có mục đích kinh doanh hay nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thông thường, đều liên quan đến hợp đồng. Có thể nói, nền kinh tế phát triển, xã hội hóa văn minh thì chế định hợp đồng ngày càng được coi trọng và càng được hoàn thiện hơn. Điều xuất phát từ pháp luật hiện đại thừa nhận quyền bình đẳng của người trước pháp luật và quyền tự do cá nhân. Ngày này, nhất là trong nền kinh tế hội nhập – mọi dịch vụ, hàng hóa đều phải được tự do chuyển dịch trên thị trường, thì phần lớn các quan hệ xã hội đều được điều chỉnh bằng hợp đồng. Vai trò, vị trí của của chế định hợp đồng và việc tuân thủ nguyên tắc tự do hợp đồng vì thế ngày càng được khẳng định trong pháp luật Việt Nam riêng và hệ thống pháp luật trên thế giới nói chung.
Để trả lời câu hỏi như thế nào là tự do hợp đồng, tại sao phải cần tuân thủ nguyên tắc tự do hợp đồng và có phải trong quan hệ pháp luật về hợp đồng mọi sự tự do trong hợp đồng đều được pháp luật thừa nhận và bảo vệ chúng ta sẽ cùng nghiên cứu nội dung dưới đây.
- Tự do hợp đồng là gì? Tại sao cần giới hạn tự do hợp đồng?
Điều 1.1 của Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2016 (PICC) quy định: “các bên trong hợp đồng được tự do giao kết hợp đồng và thỏa thuận nội dung của hợp đồng”.
Tự do hợp đồng là thuộc tính của hợp đồng. Hợp đồng và tự do hợp đồng luôn song hành với nhau. Nếu Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 Bộ luật dân sự 2015) thì tự do hợp đồng có thể hiểu là việc các bên được tự do trong thỏa thuận, giao kết hợp đồng. Với cách hiểu đó tự do hợp đồng cho phép các bên được quyền hoàn toàn tự do thiết lập các hợp đồng theo ý chí của mình. Trong quan hệ hợp đồng, tự do hợp đồng thể hiện ở các nội dung sau:
– Quyền được tự do, bình đẳng, tự nguyện giao kết hợp đồng: Trong giao kết hợp đồng nói chung, tự do, bình đẳng, tự nguyện giao kết hợp đồng là nguyên tắc cơ bản và quan trọng. Theo đó, dù thiết lập quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, thương mại hay lao động thì các chủ thể đều được tự do về mặt ý chí, không có chủ thể nào có quyền áp đặt ý chí để bắt buộc hay ngăn cản chủ thể khác giao kết hợp đồng. Quyền tự do giao kết hợp đồng xuất phát từ bản chất của hợp đồng. Quyền tự do giao kết hợp đồng được thể hiện trong pháp luật về hợp đồng khá nhất quán:Điều 11 Luật Thương mại năm 2005 quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại: “1. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó; 2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào”. Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự” và quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
– Quyền được tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng: Đây là quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các chủ thể kinh doanh, bởi lẽ, họ sẽ lựa chọn đối tác nào để giao kết phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Văn hóa ứng xử của đối tác, khả năng, kinh nghiệm kinh doanh của đối tác, uy tín của đối tác, các điều kiện lợi ích kinh tế phát sinh từ sự thương thảo hợp đồng… Chủ thể kinh doanh chỉ cần căn cứ vào các quy định pháp luật tương ứng với nội dung hợp đồng ký để thỏa thuận, tuân thủ khi ký kết và thực hiện.Pháp luật Việt Nam có quy định điều kiện các chủ thể được quyền giao kết các loại hợp đồng: Đối với cá nhân phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi (Điều 15, 16 Bộ luật Dân sự năm 2015); đại diện của pháp nhân (Điều 85 Bộ luật Dân sự năm 2015); thương nhân (khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005).
– Quyền được tự do thỏa thuận nội dung giao kết hợp đồng: Quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng là quyền hết sức cơ bản của quyền tự do kinh doanh vì đây là yếu tố cơ bản nhất tác động đến lợi ích của các bên giao kết hợp đồng. Các bên hoàn toàn có quyền lựa chọn đối tượng hàng hóa để mua bán hoặc dịch vụ để cung cấp, thỏa thuận giá cả, cách tính giá, phương thức thanh toán; điều kiện giao nhận hàng, vận chuyển, đóng gói bao bì và các nội dung khác trong hợp đồng trên cơ sở đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của hai bên. Để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên khi thực hiện quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng, BLDS năm 2015 Điều 398 Bộ luật này quy định hợp đồng có thể có các nội dung sau đây: Đối tượng của hợp đồng; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phương thức giải quyết tranh chấp.
Trong hoạt động thương mại, Luật Thương mại năm 2005 thể hiện cụ thể hơn quyền này thông qua việc quy định về các hợp đồng thương mại: Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại (khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, hộ trợ, triển lãm thương mại), trung gian thương mại (đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa, đại lý thương mại) và một số hợp đồng thương mại khác (gia công thương mại, đấu giá hàng hóa, đầu thầu hàng hóa, dịch vụ, dịch vụ logistic, quá cảnh hàng hóa, dịch vụ giám định, cho thuê hàng hóa, nhượng quyền thương mại) chỉ được Luật Thương mại năm 2005 điều chỉnh khi các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng.
– Quyền được tự do thỏa thuận thay đổi nội dung hợp đồng trong quá trình thực hiện: Quyền tự do thỏa thuận để thay đổi nội dung, đình chỉ hay hủy bỏ hợp đồng đã giao kết trong quá trình thực hiện hợp đồng là sự khẳng định quyền trọn vẹn của các chủ thể kinh doanh trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng. Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tôn trọng sự quyết định ý chí của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể là quyết định thay đổi một phần hợp đồng, hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng khi ý chí của cả hai bên trong hợp đồng muốn thay đổi, bổ sung hợp đồng đã ký kết.
Về điều kiện sửa đổi, chấm dứt hợp đồng trước khi hết hạn, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có ghi nhận vấn đề này, nhưng không gợi mở trong các nội dung hợp đồng, mà ghi nhận riêng về sửa đổi hợp đồng dân sự (Điều 421 Bộ luật Dân sự năm 2015), chấm dứt hợp đồng dân sự (Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015).
– Quyền được tự do thỏa thuận các điều kiện đảm bảo để thực hiện hợp đồng:
Điều kiện đảm bảo thực hiện hợp đồng là một trong các nội dung cơ bản để quyết định sự thành công của hợp đồng, đảm bảo các quyền nghĩa vụ của hợp đồng được thực hiện bằng một giao dịch thế chấp tài sản, hoặc giao dịch bảo đảm thanh toán của tổ chức tín dụng, hoặc một bên thứ ba bằng một tài sản là bất động sản hay một nguồn tiền từ một tài khoản ngân hàng; điều kiện đảm bảo thực hiện hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng liên quan mật thiết đối với trách nhiệm tài chính hữu hạn phát sinh trong một hợp đồng.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đảm bảo quyền tự do thỏa thuận các điều kiện đảm bảo để thực hiện hợp đồng bằng các quy định: Về biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 292); Về cầm cố tài sản (từ Điều 309 đến Điều 316); Về thế chấp tài sản (từ Điều 317 đến Điều 327); Về đặt cọc, ký cược, ký quỹ (Điều 328 đến 334; Về bảo lãnh (từ Điều 335 đến Điều 343); Về tín chấp (từ Điều 344 đến Điều 345) Về cầm giữ tài sản ( từ Điều 346 đến Điều 350).
– Quyền được tự do thỏa thuận cơ quan tài phán và luật giải quyết tranh chấp hợp đồng:
Về quyền tự do lựa chọn luật giải quyết tranh chấp được thể hiện khá đa dạng: Khi có tranh chấp, các bên có thể tự quyết định việc giải quyết bằng một trong các hình thức sau đây: Thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc Tòa án. Quy định này được thể hiện tại Điều 317 Luật Thương mại năm 2005. Cùng với đó, các văn bản pháp luật có liên quan cũng ghi nhận về quyền tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp.
Pháp luật Việt Nam khuyến khích và ưu tiên các phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải. Tại Điều 7 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng ghi nhận: “Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích”. Đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tố tụng Tòa án, Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, tại khoản 11 đã ghi nhận quyền và nghĩa vụ “Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành”. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì, khi lựa chọn cơ quan tài phán là trọng tài thương mại thì: Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp; Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, thì áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; Nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định luật để giải quyết tranh chấp; Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Tự do hợp đồng xuất hiện từ rất lâu nhưng chỉ phát triển một cách mạnh mẽ ở thế kỷ thứ XVIII, và nằm trong hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa tự do của nền triết học Khai sáng. Từ góc độ kinh tế học, có thể thấy hai giai đoạn phát triển, hay nói cách khác, hai cách tiếp cận đánh giá khác nhau của tự do hợp đồng: i) từ thế kỷ XVIII đến những năm 20 của thế kỷ XX – thời kỳ tự do kinh tế và; ii) từ sau khủng hoảng kinh tế 1929 -1933 đến nay.
Để đạt được lợi ích tối ưu, đạt được hiệu quả cao nhất. Nhờ tôn trọng, thừa nhận tự do hợp đồng mà chiếc bánh được chia đôi cho 2 bên tham gia giao kết hợp đồng. Tự do hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể, đặc biệt là các chủ thể kinh doanh có khả năng chủ động trong việc thiết lập các giao dịch nhằm phục vụ hoạt động của mình. Với quyền tự do giao kết hợp đồng, các chủ thể kinh doanh hoàn toàn có thể chủ động quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tự do ý chí là nền tảng hình của hợp đồng. Không có tự do ý chí không thể hình thành quan hệ hợp đồng và ngược lại, tự do ý chí có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhằm biến các dự định hoặc kế hoạch trở thành hiện thực. Tự do ý chí nói chung và tự do hợp đồng nói riêng là quyền cơ bản của con người nhưng quyền này không phải là quyền tuyệt đối. Bởi vì, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, nếu tuyệt đối tự do ý chí sẽ không giải quyết được hài hòa một số giao dịch phát sinh trên thực tế. (Sixto Sánchez Lorenzo 2010) cho rằng, luật áp dụng đối với các hợp đồng có thể thực hiện ba chức năng khác nhau: Thứ nhất là “chức năng phụ trợ”, điền vào các khoảng trống hợp đồng với các quy tắc mặc định; Thứ hai là “chức năng diễn giải”, xác định ý nghĩa của các điều khoản hợp đồng mơ hồ hoặc tối nghĩa; Thứ ba là, “chức năng hạn chế”, huỷ bỏ các điều khoản hợp đồng trái với các quy tắc bắt buộc. Rõ ràng, “chức năng hạn chế” luôn tồn tại trong pháp luật hợp đồng. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây tại sao phải cần có giới hạn tự do của hợp đồng:
– Nhằm bảo vệ lợi ích của xã hội, Nhà nước và bên thứ 3. Ví dụ: Một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực là nội dung và mục đích không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, pháp luật hạn chế một số quyền của công dân thì phải giải thích, đó mới là pháp luật văn minh.
– Ưu tiên bảo vệ kẻ yếu: Pháp luật văn minh là phải bảo vệ kẻ yếu. “Định lý phát triển”: Điều kiện cần để phát triển là sự cân bằng lợi ích. Pháp luật cần đứng giữa để cân bằng giữa kẻ mạnh và kẻ yếu và phải đứng cùng “chiến tuyến” với kẻ yếu để đối trọng với kẻ mạnh, thậm chí có khi pháp luật còn cần cương tỏa sức mạnh của kẻ mạnh.
Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, người mua nhầm chứ người bán không nhầm bao giờ. Bên mua là bên yếu thế hơn, bởi người bán là người biết rõ nhất về thông tin của sản phẩm. Vì vậy kinh tế học đặt ra Lý thuyết về thông tin bất đối xứng. Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định mới: nghĩa vụ cung cấp thông tin.
– Bảo vệ bên trung thực và thiện chí hơn trong quan hệ hợp đồng: Pháp luật là sự thể hiện ra bên ngoài của đạo đức, đạo đức là sự ẩn chứa bên trong pháp luật. (Đạo đức là bài học đầu tiên bố mẹ dạy cho con trẻ khi chúng biết nhận thức). Pháp luật kêu gọi các bên phải trung thực, thiện chí và đồng thời bảo vệ cho bên trung thực, thiện chí hơn.
Pháp luật hợp đồng Việt Nam ghi nhận: ‘Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội’ (Bộ luật dân sự năm 2015) và ‘Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác’ (Bộ luật dân sự năm 2015) là những quy định nhằm giới hạn tự do hợp đồng, đặc biệt là tự do trong giai đoạn giao kết hợp đồng.
Tương tự như Việt Nam, các quốc gia trên thế giới cũng quy định về giới hạn tự do hợp đồng. Theo pháp luật hợp đồng Pháp, tự do hợp đồng không được phép trái với quy định về chính sách công (France, Civil Code, 2004 Amanded 2016, Art 1102). Theo Bùi Thị Thu Hiền (2017), pháp luật hợp đồng Trung Quốc cũng quy định: luật hợp đồng phải bảo đảm nguyên tắc tự do của chủ thể này không được xâm phạm tới tự do hoặc lợi ích của chủ thể khác trong xã hội. Bên cạnh đó, pháp luật hợp đồng của Hoa Kỳ cũng ghi nhận hợp đồng có hiệu lực khi đáp ứng điều kiện về ‘mục đích của hợp đồng phải hợp pháp hoặc không trái với chính sách công’(Vũ Thị Lan Anh, 2010, tr 13).
Pháp luật các quốc gia cũng quy định rõ về giới hạn tự do lựa chọn luật cho hợp đồng, cụ thể:
– Theo pháp luật hợp đồng Trung Quốc: Đối với Hợp đồng liên doanh giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng liên doanh hợp tác nước ngoài hoặc hợp đồng thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của Trung Quốc và nước ngoài được thực hiện trên lãnh thổ Trung Quốc thì áp dụng luật Trung Quốc (China, Contract law, 1999, Art 26). Ngoài ra, nếu có quy định bắt buộc về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong luật pháp của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, những quy định bắt buộc này phải được áp dụng trực tiếp (China, Law on the Application of Law for Foreign-Related Civil Legal Relationships, 2010, Art 4-3).
– Theo pháp luật hợp đồng Hoa Kỳ: Không được lựa chọn pháp luật của quốc gia không có mối liên hệ hợp lý với hợp đồng (USA, Uniform Commercial Code, 1952, sec 1-301). Thêm vào đó, những quan hệ sau các bên bị giới hạn quyền tự do lựa chọn luật như: quyền chủ nợ của người bán với hàng bán (USA, Uniform Commercial Code, 1952, sec 2-402); hàng hóa được đảm bảo bởi giấy chứng nhận (USA, Uniform Commercial Code, 1952, sec 2A-105); đảm bảo quyền của người tiêu dùng, người lao động (USA, Uniform Commercial Code, 1952, sec 2A-106) …
– Theo pháp luật hợp đồng Pháp: Các bên có quyền tự do lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng nhưng không được đi lệch so với chính sách công của Pháp (France, Civil Code, 2016, Art 1102). Ví dụ một số hợp đồng sau đây bị giới hạn tự do lựa chọn luật áp dụng: hợp đồng lao động (France, Labor Code, 2015, Art L.1262-4); hợp đồng làm hạn chế tự do cạnh tranh (France, Commercial Code, 2006, Art L.420-1 and L.420-3);hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ với sự bất thường về điều kiện, tài sản công và quy tắc nơi đặt trụ sở (France, Commercial Code, 2006, Art L.442-8);…
Qua những điều trên có thể khẳng định giới hạn tự do hợp đồng không hạn chế quyền con người mà là quy định đảm bảo quyền con người giữa quyền cá nhân với lợi ích chung của cộng đồng. Vì lẽ đó, các quốc gia cần phải cân nhắc kỹ khi quy định về giới hạn tự do hợp đồng sao cho đảm bảo hài hòa quyền của các chủ thể trong xã hội và vẫn đảm bảo tinh thần của tự do hợp đồng.
Mặc dù Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật khá hoàn thiện cho việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng và đảm bảo quyền tự do hợp đồng, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về quyền tự do hợp đồng, cụ thể:
Thứ nhất, còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của luật chuyên ngành với Bộ luật Dân sự năm 2015, như: Quy định lại những quy định chung của Bộ luật Dân sự hoặc không có sự thống nhất khi quy định về hợp đồng, cụ thể:
– Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra các quy định tùy nghi khi quy định về nội dung hợp đồng nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng của các bên trong hợp đồng, theo nguyên tắc ưu tiên áp dụng các thỏa thuận của các bên so với các quy định của pháp luật, tuy nhiên, các đạo luật chuyên ngành lại không thống nhất trong việc ghi nhận kỹ thuật lập pháp này. Một số đạo luật chuyên ngành khác quy định về hoạt động thương mại đặc thù, ví dụ như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Điện lực,… lại thường sử dụng các quy phạm bắt buộc khi quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
– Hiện nay, một số luật chuyên ngành còn quy định lại những quy định chung về hợp đồng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Ví dụ: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) có những quy định về hợp đồng trong họat động hàng không như: Vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách và hành lý… (Mục 3, 4, 5, 6 chương VI), Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định về hợp đồng dịch vụ (chương III), trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định về các loại hợp đồng cụ thể này tại Mục 10 – Một số hợp đồng thông dụng. Chương XVI Phần thứ ba đã có quy định về hợp đồng vận chuyển hành khách, hợp đồng vận chuyển tài sản, hợp đồng dịch vụ. Việc các luật chuyên ngành có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã gây phức tạp trong việc áp dụng pháp luật và ảnh hưởng đến quyền tự do hợp đồng.
– Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định “giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”. Có rất nhiều quy định của các luật chuyên ngành bắt buộc hợp đồng phải có công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực pháp lý: Ví dụ như, quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 về Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở: “Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Ủy ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn…”. Như vậy, quy định này mâu thuẫn với Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu áp dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành thì trong trường hợp này, nếu các bên chưa công chứng, chứng thực mà đã thực hiện được 2/3 nghĩa vụ hợp đồng thì hợp đồng vẫn không có giá trị pháp lý. Nếu một bên lợi dụng việc này, yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì gây thiệt hại lớn cho bên còn lại, không đảm bảo được tính công bằng cho các bên cũng như sự tự do hợp đồng trong trường hợp cả hai bên đều thống nhất thỏa thuận mà không công chứng, chứng thực.
Thứ hai, những quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 về hình thức hợp đồng đã bảo đảm quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng, thể hiện xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trên cơ sở công nhận hiệu lực, cam kết của các bên mà không phụ thuộc vào hình thức hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác, hoặc pháp luật có quy định khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng). Tuy nhiên, thực tiễn quy định pháp luật Việt Nam cho thấy, pháp luật hợp đồng Việt Nam còn quy định quá nhiều trong việc trường hợp hợp đồng phải tuân thủ điều kiện về hình thức văn bản hợp đồng. Điều này đã làm hạn chế phần nào quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng.
Thứ ba, đối với mua bán hàng hoá quốc tế (khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2015), phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, trong khi đó, Công ước Viên năm 1980 quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế còn có hình thức đa dạng hơn, chỉ cần có người làm chứng thì hợp đồng cũng được công nhận. Sự giới hạn này hiện nay là một rào cản gây trở ngại cho các chủ thể kinh doanh trong nước, hạn chế quyền tự do kinh doanh khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng trong nước, không thể kiện các đối tác nước ngoài khi họ ký kết hợp đồng theo hình thức có người làm chứng là bên môi giới.
Thứ tư, Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn một số quy định bất cập, vướng mắc:
– Khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ đề cập đến vai trò của Tòa án mà không đề cập tới vai trò của trọng tài liên quan đến việc điều chỉnh lại hợp đồng. Việc này sẽ dẫn tới bất cập trong quá trình vận dụng khi các bên có thỏa thuận trọng tài.
– Bên cạnh đó, cả 05 điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 đều không thể hiện được yếu tố hoàn cảnh thay đổi cơ bản là hoàn cảnh mà các bên đã căn cứ để thỏa thuận, thống nhất nội dung hợp đồng. Điểm c khoản 1 điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ xác định mức độ thay đổi hoàn cảnh, chứ không thể hiện rõ tính liên quan giữa hoàn cảnh với nội dung của hợp đồng. Quy định này gây ảnh hưởng đến việc xác định tiêu chí khi nào việc thay đổi hoàn cảnh là thay đổi cơ bản, từ đó ảnh hưởng đến lợi ích giữa các bên trong quan hệ hợp đồng.
- Kết luận:
Quyền tự do hợp đồng là một trong những quyền kinh tế cơ bản của con người. Đảm bảo quyền tự do hợp đồng là đảm bảo quyền con người. Tuy vậy, giới hạn tự do hợp đồng không phải là quy định làm triệt tiêu quyền con người mà là quy định đảm bảo sự hài hòa quyền con người giữa quyền cá nhân và quyền lợi của cộng đồng; giữa quyền của “bên ưu thế” và “bên yếu thế”. Chính vì lẽ đó, ghi nhận và tôn trọng giới hạn tự do hợp đồng là tất yếu trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Không nằm ngoài xu thế đó, pháp luật hợp đồng Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh nhất định về những nội dung: quy định hoặc có những hướng dẫn cụ thể thống nhất đối với các quy định liên quan đến tự do hợp đồng, giới hạn quyền tự do hợp đồng đặc biệt đối với cá giao kết hợp đồng là chủ thể đặc biệt như các nhà cung cấp dịch vụ công hoặc tiện ích công cộng; các quy định về việc miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp vi phạm hợp đồng; giới hạn tự do hợp đồng trong hợp đồng mẫu. Bên cạnh đó cũng cần có sự hướng dẫn thống nhất về việc lựa chọn cơ quan tài phán khi có phát sinh tranh chấp…. Những điều chỉnh pháp luật hợp đồng là cần thiết để đảm bảo quyền con người và đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia trên thế giới.
Lê Thị Thuý Loan