BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3039/BHXH-THU V/v hướng dẫn thực hiện MLTT vùng và một số quy định về đóng BHXH, BHYT |
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 10 năm 2011 |
Kính gửi: Các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
– Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế;
– Căn cứ Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động; Thông tư số 23/2011/TT-BLĐTBXH ngày 16/9/2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại văn bản số 2447/LĐTBXH-BHXH ngày 26/7/2011;
– Căn cứ công văn số 3862/BHXH-BT ngày 21/9/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc truy thu BHXH.
Bảo hiểm xã hội thành phố hướng dẫn một số điểm về thực hiện mức tiền lương, tiền công đóng BHXH, BHYT áp dụng từ ngày 01/10/2011 như sau:
1. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH, BHYT đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định
1.1. Mức lương tối thiểu dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh quy định tại Điều 1 Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ như sau:
+ Mức 2.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
+ Mức 1.780.000 đồng/tháng áp dụng đối với đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ.
1.2. Các đơn vị sử dụng lao động, rà soát lại mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương mà đơn vị đã đăng ký với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội để điều chỉnh lại cho phù hợp theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới trên đây.
Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại mức tiền lương, tiền công hợp đồng, làm căn cứ đóng BHXH, BHYT cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương của đơn vị kể từ ngày 01/10/2011.
Lưu ý:
– Mức lương tối thiểu vùng chỉ dùng ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện bình thường ở các đơn vị sử dụng lao động. Đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả do đơn vị đào tạo nghề), mức lương hợp đồng thấp nhất cũng phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
– Văn bản điều chỉnh mức tiền lương, tiền công nói trên (bằng Quyết định hoặc Phụ lục hợp đồng …) là hồ sơ gốc làm căn cứ đối chiếu với mức đóng, mức hưởng BHXH, BHYT của những người lao động thuộc diện điều chỉnh tiền lương đóng BHXH, BHYT tại thời điểm tháng 10/2011 theo quy định trên đây.
– Đối với các đơn vị sử dụng lao động chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên đây, dẫn đến còn một số người lao động có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Trong thời gian chờ đơn vị thực hiện đúng quy định, cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT cho những người lao động trên đây bằng mức lương tối thiểu vùng mới kể từ tháng 10/2011.
1.3. Người lao động ký hợp đồng lao động tại văn phòng hoặc trụ sở chính đóng tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng làm việc ở các vùng khác thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa điểm làm việc ghi trong hợp đồng lao động để điều chỉnh lại tiền lương, tiền công hợp đồng, làm căn cứ đóng, hưởng BHXH, BHYT.
1.4. Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP; Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ), vẫn áp dụng mức lương tối thiểu chung để đóng, hưởng BHXH, BHYT, không áp dụng mức lương tối thiểu vùng trên đây.
2. Một số quy định khác
2.1. Đóng BHXH trong thời gian thử việc theo công văn hướng dẫn số 2447/LĐTBXH-BHXH ngày 26/7/2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
“Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên, hoặc HĐLĐ không xác định thời hạn), thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động”.
– Việc đóng BHXH theo quy định trên đây vẫn phải đảm bảo kịp thời, ngay từ tháng thử việc đầu tiên để đảm bảo các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo Luật BHXH, Luật BHYT.
Lưu ý: Trường hợp thời gian thử việc được người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận theo một hợp đồng thử việc riêng biệt, không ghi chung trong hợp đồng lao động theo quy định trên đây, thì người sử dụng lao động và người lao động chỉ đóng BHXH, BHYT, BHTN theo hợp đồng lao động chính thức, sau khi chấm dứt thời gian thử việc.
– Các đơn vị sử dụng lao động căn cứ tình hình quản lý, sử dụng lao động thực tế tại đơn vị, để thực hiện việc đóng BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động theo các hình thức ký kết hợp đồng nêu trên đây.
2.2. Truy đóng BHXH theo công văn số 3862/BHXH-BT ngày 21/9/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
– Kể từ ngày 01/10/2011, các đơn vị sử dụng lao động thực hiện truy đóng BHXH, BHYT, đối với tất cả các trường hợp người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chậm đóng (kể cả các trường hợp trước đây đã được cơ quan BHXH hướng dẫn tạm dừng để chờ xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).
– Hồ sơ, thủ tục truy đóng, đơn vị thực hiện theo Bảng kê hồ sơ số 103 – Thu BHXH, BHYT bắt buộc (có điều chỉnh – đính kèm), không thực hiện Bảng kê hồ sơ số 107 (hủy bỏ từ ngày 01/10/2011).
– Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thông báo các trường hợp truy đóng trên đây cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, để nơi này xử lý theo quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị đơn vị phản ánh về Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh để hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận: |
KT. GIÁM ĐỐC đã ký Đỗ Quang Khánh |