Tội phạm và hình phạt là 2 khái niệm cơ bản, tồn tại song hành trong pháp luật Hình sự. Trên thực tế,…. khi một hành vi tội phạm xảy ra và bị phát hiện, tất yếu kẻ phạm tội sau đó sẽ phải gánh chịu một mức hình phạt tương ứng thông qua một bản án cụ thể. Có thể nói, việc xét xử án Hình sự so với việc xét xử án dân sự theo quan điểm nhìn nhận, đánh giá chung của nhiều người thì mức độ phức tạp trong việc áp dụng pháp luật đơn giản hơn rất nhiều, do “tội phạm và hình phạt” đã được quy định rõ ràng và cụ thể trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật để xét xử đối với các bị cáo trong lĩnh vực Hình sự lại là một vấn đề hết sức nhạy cảm, liên quan đến sinh mệnh chính trị, thậm chí đến sự sống và cái chết đối với “một con người”. Thông qua việc xét xử, ngoài mục đích nhằm trừng trị những kẻ có tội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần ổn định trật tự, an ninh và kỷ cương xã hội thì bản án hình sự còn phải thể hiện được sự công bằng xã hội, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta trong từng trường hợp cụ thể.
Trong thực tiễn xét xử đã có nhiều bản án khi Tòa án tuyên mức hình phạt cụ thể đối với bị cáo, không những bị cáo phải tâm phục khẩu phục mà còn nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cũng còn những bản án khi mức hình phạt được đưa ra, có thể bị cáo phải cúi đầu chấp nhận nhưng chưa hẳn đã nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Gần đây nhất là vụ án “Giết người” mà người bị giết lại chính là người sinh thành ra bị cáo Phan Minh Mẫn- Sinh viên cao đẳng kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm. Với hành vi phạm tội của mình,bị cáo đã bị Tòa án nhân dân TP. HCM tuyên phạt mức án cao nhất- tử hình – đồng nghĩa với việc nếu bản án được thực thi thì bị cáo sẽ bị loại ra khỏi đời sống xã hội. Ngay sau khi bản án tuyên, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội, nhiều bài viết, nhiều ý kiến được phản hồi. Tựu chung đều xót thương cho số phận của bị cáo, đều băn khoăn, trăn trở về việc phán quyết của Tòa án. Phải chăng Hội đồng xét xử đã xem xét chưa thấu đáo mọi tình tiết của vụ án? Chưa thấy được nguyên nhân sâu sa của động cơ giết người, đành rằng xét về mặt hành vi phạm tội của bị cáo Mẫn thì không có gì có thể biện minh- hành vi này cần phải bị trừng phạt về mặt pháp luật một cách hết sức nghiêm khắc. Tuy nhiên, có đến mức cần thiết phải loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội hay không lại là điều cần hết sức cân nhắc. Bởi bên cạnh ý nghĩa và mục đích trừng phạt thì ý nghĩa và mục đích giáo dục là điều không thể thiếu trong chính sách Hình sự của nước ta.
Thiết nghĩ, với một người trai trẻ nặng lòng yêu thương mẹ như bị cáo, với một sinh viên ngoan, hiền như cách mà bị cáo đã thể hiện trong cuộc sống. Với tư cách là một Luật sư đã tham gia nhiều vụ án Hình sự lớn, nhỏ. Tôi đặc biệt tin rằng Tòa phúc thẩm- Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM sẽ xem xét thấu đáo các khía cạnh pháp lý của vụ án để có một phán quyết sáng suốt, mở ra một hồi kết có hậu cho bị cáo, để Tội phạm và Hình phạt thật sự có sự tương đồng.
Luật sư- Thạc sỹ Phùng Thị Hòa